Luật Thanh tra năm 2010 là cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua 6 năm thi hành Luật, trên phạm vi toàn tỉnh Long An đã triển khai 877 cuộc thanh tra hành chính và 4.925 cuộc thanh tra chuyên ngành. Kết quả đã phát hiện sai phạm về thanh tra hành chính là 84.544,33 triệu đồng; 39.203 USD; 1.370,1 ha đất và 1.392 kg gạo, kiến nghị thu hồi 27.549,11 triệu đồng và 183,8 ha đất, kỷ luật 21 tổ chức và 117 cá nhân; về thanh tra chuyên ngành số tiền sai phạm là 182.258,662 triệu đồng, đã thu số tiền 181.821,99 triệu đồng, tiêu hủy tài sản vi phạm là 398,1 triệu đồng.

Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra các đơn vị đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: sửa đổi Luật thanh tra và những văn bản pháp luật liên quan; các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra.


Toàn cảnh hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra của UBND tỉnh Long An 

 

Đánh giá kết quả thi hành Luật Thanh tra trong 6 năm qua, UBND tỉnh Long An khẳng định, toàn ngành đã đạt được những kết quả đáng kể về công tác thanh tra. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới ngành Thanh tra tỉnh cần quan tâm thực hiện các nội dung như:

Tiếp tục quán triệt Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, phải xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có sai phạm và việc thu hồi tiền, tài sản qua sai phạm. Đồng thời, phải tiếp tục quan tâm và nâng cao chất lượng trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thanh tra.

Tăng cường rà soát, để kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra; hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực quản lý của địa phương, của ngành.

Trong hoạt động của các ngành, các cấp, đề nghị phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định về công tác quản lý tài chính, tài sản; đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai để các đơn vị, địa phương thực hiện tốt, tránh tình trạng gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước, đặc biệt chú trọng, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác thanh tra. Đồng thời, đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo kết luận thanh tra (về thanh tra chuyên ngành) đề nghị đưa tin trên các báo, phương tiện thông tin để người dân biết, nhất là những vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm.

Các cơ quan thanh tra nhà nước phải tiến hành ngay việc đề xuất, định hướng việc xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2018 tránh trùng lắp, chồng chéo giữa các đơn vị theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, đề nghị các đơn vị thanh tra củng cố hồ sơ, thu thập chứng cứ đầy đủ để làm cơ sở chuyển sang cơ quan điều tra xử lý. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải thực hiện tốt trách nhiệm cung cấp thông tin, giải thích, giải trình, làm rõ các thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật./.

Đình Thuyết