Theo UBND tỉnh Bến Tre, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo khung pháp lý quan trọng giúp nâng cao vị trí, vai trò, tăng cường tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy thường xuyên được kiện toàn nên đã từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng các cuộc thanh tra góp phần củng cố trật tự, kỷ cương pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ở địa phương, đẩy lùi tiêu cực tham nhũng; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

 

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, Luật Thanh tra 2010 còn bộc lộ nhiều hạn chế. Mặc dù, bộ máy tổ chức thường xuyên được kiện toàn tuy nhiên biên chế công chức của các cơ quan thanh tra nhà nước được phân bổ còn thấp nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thanh tra trong tình hình mới.  

 

Hơn nữa, phần lớn các kết luận thanh tra chủ yếu là kiến nghị thu hồi về tiền, chưa có kiến nghị cụ thể hình thức xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm và các vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra không nhiều. Việc xử lý sai phạm sau thanh tra tuy có thực hiện nhưng chưa mạnh dạn, kiên quyết; một số trường hợp việc xử lý chưa tương xứng với hành vi sai phạm. 

 

Công tác tổng kết, rút kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra có thực hiện nhưng chưa đầy đủ, kịp thời. Công tác quản lý nhà nước, một số lĩnh vực quản lý còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, khi thanh tra phát hiện thì còn nể nang chưa xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có sai phạm. Việc thu hồi tiền qua thanh tra vẫn còn thấp; chủ yếu là kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các sai sót là chính. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do văn bản pháp luật thay đổi thường xuyên; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thanh tra còn bất cập, các quy định của pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tế. 

 

Ngoài ra, theo quy định pháp luật thanh tra thì cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị, đề xuất mà không có thẩm quyền quyết định xử lý đối với cán bộ, công chức sai phạm, quyết định xử lý thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra. Do đó, chưa có chế tài cụ thể, đủ mạnh để buộc đối tượng thanh tra và các cơ quan, cá nhân có liên quan thực hiện các kết luận, kiến nghị qua thanh tra.  

 

Hiện nay, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp sở, chi cục thuộc sở chưa đáp ứng được nhiệm vụ do thiếu nhiều biên chế, trong khi đó, các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại cấp huyện lại không được pháp luật giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Do vậy, dẫn đến pháp luật hiện hành chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn về tăng cường công tác thanh tra tại cơ sở đối với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu làm việc với UBND tỉnh Bến Tre 

 

Từ những nguyên nhân hạn chế trên và để cho Luật Thanh tra mới có hiệu lực, hiệu quả cao, Ủy ban nhân tỉnh Bến Tre kiến nghị đề xuất một số giải pháp nhằm sửa đổi cụ thể sau:

 

Từ thực tế 6 năm thi hành Luật Thanh tra, UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2010 như sau:

 

Một là, xây dựng công tác thanh tra bảo đảm thực hiện nhiệm vụ tương đối độc lập, mang tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động của công tác thanh tra. 

 

Hai là, quy định cụ thể về quy trình kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra; quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm cá nhân đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước khi không tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra; có chế tài cụ thể xử lý các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi không thực hiện kết luận thanh tra hoặc thực hiện không đầy đủ; tăng thẩm quyền cho các cơ quan thanh tra trong việc theo dõi, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, quy định rõ trách nhiệm báo cáo, kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị về thanh tra. 

 

Ba là, Luật Thanh tra cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp với cơ quan thanh tra trong việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, ra quyết định thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra cũng như việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị. Cũng như quy định về tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan thanh tra có tính độc lập cao hơn so với quy định hiện hành để tránh việc cơ quan thanh tra phụ thuộc quá nhiều vào Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp như hiện nay.

 

Bốn là, cần xem xét quy định trong Luật Thanh tra cơ quan Thanh tra nhà nước được áp dụng các biện pháp, chế tài đảm bảo việc xử lý các vi phạm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền được thanh tra.

 

Năm là, quy định rõ việc xử lý tiền, tài sản sai phạm cũng như xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nếu vụ việc được chuyển cơ quan điều tra nhưng không đủ yếu tố để xử lý theo pháp luật hình sự./.

 

Đình Thuyết