Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn diễn ra ngày 19/6/2017 tại Trụ sở Chính phủ. Theo đó, Phó Thủ tướng kết luận, mục đích cần đạt được sau khi ban hành Nghị định mới, phải thu hút được làn sóng mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Dự thảo Nghị định mới cần vận dụng tối đa các quy định Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa để áp dụng, cụ thể hóa cơ chế chính sách cho nông nghiệp, nông thôn; các Luật Thủy lợi, Dự án Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản… và Nghị quyết của Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về kinh tế tư nhân và thể chế kinh tế thị trường.


 

Ảnh minh họa 
 

 

Đến nay, cả nước chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng doanh nghiệp cả nước. Trong những năm qua, việc thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 210), nhằm tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy sản xuất, hàng hóa khu vực này, phát triển kinh tể xã hội bền vững trên địa bàn nông thôn đã đạt được kết quả nhất định, năm 2015 hỗ trợ thí điểm được 200 tỷ đồng cho 40 dự án của địa phương, năm 2016, ngân sách bố trí được 185 tỷ đồng. Đến nay, tổng ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 285 tỷ đồng cho 23 địa phương để triển khai 64 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng (tỷ lệ vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chiếm 5,9%), các dự án đang triển khai sẽ tạo thêm nhiều việc làm, giá trị sản xuất tại các địa phương.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 210 còn nhiều bất cập, do: nguồn lực hạn chế, quy hoạch sử dụng đất các địa phương thường xuyên thay đổi, tích tụ ruộng đất còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro bất cập, chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả khiến doanh nghiệp khó tiếp cận ngân hàng, thủ tục hành chính (đất đai, xây dựng, môi trường, hỗ trợ đầu tư...) còn phức tạp, nhiêu khê, nhiều doanh nghiệp rất nản lòng khi làm các thủ tục hành chính, mức được hỗ trợ cho các dự án còn hạn chế, nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, Nghị định 210 ban hành trước khi có các Luật (Đất đai, Đâu tư công, Đầu tư, Xây dựng) nên một số quy định còn trùng lặp, vướng mắc khi hướng dẫn thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục cho doanh nghiệp khi có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới là rất cần thiết và cấp bách.

Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp ngày 19 tháng 4 năm 2017, hoàn thiện một bước Dự thảo để báo cáo tại Hội thảo lấy ý kiến đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà quản lý, khoa học. Trên cơ sở nội dung Thông báo số 208/TB-VPCP ngày 27 tháng 4 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ, ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Thủ tướng lưu ý dự thảo Dự thảo Nghị định mới cần tập trung vào đề xuất cơ chế, chính sách, hỗ trợ gián tiếp là chủ yếu (môi trường đầu tư, thủ tục hành chính), trong đó ưu tiên tạo thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn như: khuyến khích bằng cả cơ chế ưu đãi (đất đai, thuế, miễn, giảm…) và chính sách hỗ trợ bằng tiền phù hợp nguyên tắc thị trường và khả năng chi ngân sách Nhà nước; cần tập trung vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ khuyến khích thành lập doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

Đối với các doanh nghiệp lớn, tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia, có quy mô vùng nổi trội, thành doanh nghiệp đầu đàn. Đối tượng của chính sách là doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các loại doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác đầu tư vào khu vực nông thôn.

Cùng với đó tập trung ưu tiên hỗ trợ trực tiếp để doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, mua sắm chuyển giao công nghệ để đưa vào sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp tham gia theo các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Nguồn hỗ trợ không chỉ từ ngân sách Trung ương, địa phương mà còn từ các quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đổi mới công nghệ và các nguồn vốn hợp pháp khác../.

PV