Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đồng chủ trì Hội nghị
 

 

KNTC có chiều hướng giảm nhưng tính chất vẫn phức tạp

Theo báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) phức tạp, kéo dài khu vực miền Bắc, tình hình KNTC tuy có chiều hướng giảm so với các năm trước cả về số lượng đoàn đông người và số vụ việc, nhưng tính chất vẫn còn phức tạp. Đặc biệt là các vụ việc nổi cộm, tập trung đông người, gay gắt, có hành vi vi phạm pháp luật như vụ việc khiếu kiện, giữ người trái pháp luật tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Một số vụ việc được báo chí phản ánh và dư luận quan tâm, như: Vụ việc nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh liên quan thực hiện các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch nhưng thực chất là khai thác cát, tận thu khoáng sản tại tỉnh Bắc Ninh; vụ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở với diện tích lớn để xây dựng “biệt phủ” tại tỉnh Yên Bái…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp 5.014 lượt công dân của 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đến KNTC, phản ánh, kiến nghị với 1.378 vụ việc; các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc đã tiếp 38.828 lượt công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 564 đoàn đông người. Đa số các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc thời gian vừa qua là các vụ việc cũ để lại, đã được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nhiều lần, tuy nhiên, công dân vẫn khiếu kiện với thái độ gay gắt, bức xúc, ít nhiều ảnh hưởng tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là tại các thời điểm diễn ra kỳ họp Trung ương, họp Quốc hội…

 

 

 Toàn cảnh Hội nghị
 

 

Bên cạnh đó, công tác xử lý đơn thư tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hạn chế tình trạng trùng lắp, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả giải quyết sau khi chuyển đơn có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, đơn vị xử lý đơn thư còn chậm, vi phạm về trình tự, thủ tục. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận 816 đơn đủ điều kiện xử lý của công dân khu vực phía Bắc; các địa phương khu vực miền Bắc đã tiếp nhận 50.836 đơn thư.

Về kết quả thực hiện Kế hoạch 1130/KH-TTCP, đến nay, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong khu vực phía Bắc đã xem xét giải quyết 146/146 vụ việc trong tổng số 528 vụ việc trên cả nước theo Kế hoạch. Từ kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện Kế hoạch 1130/KH-TTCP, nhiều địa phương đã tập trung làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền để hạn chế phát sinh mới các vụ việc phức tạp; đồng thời, khi phát sinh phức tạp thì tập trung chỉ đạo để xử lý, giải quyết dứt điểm, không để phát sinh thành điểm nóng.

Cũng theo báo cáo của các địa phương, khu vực phía Bắc, kết quả thực hiện Kế hoạch 2100/KH-TTCP đã giải quyết được 181/194 vụ việc, đạt 94,7%. Qua đó, tác động tích cực đến nhận thức về tầm quan trọng trong việc giải quyết KNTC phức tạp, kéo dài một cách chủ động hơn từ địa phương; các cấp ủy đảng đã quan tâm, ưu tiên tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Nâng cao chất lượng tiếp công dân lần đầu

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nhận định, tình hình KNTC cả nước có giảm về số vụ việc, riêng Khu vực Miền Bắc nhìn chung có giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số địa phương; số vụ việc KNTC vẫn còn nhiều, phổ biến là trong lĩnh vực đất đai. Các ngành, các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chủ trương, pháp luật về KNTC; trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC được nâng lên, giải quyết các vụ việc mới phát sinh hiệu quả hơn; nhiều vụ việc giải quyết đúng chính sách, pháp luật.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC các tỉnh khu vực miền Bắc trong 6 tháng đầu năm 2017. Cụ thể, một số địa phương chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân theo quy định (chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo); việc thực hiện kết luận, quyết định giải quyết KNTC còn hạn chế, có những vụ việc mặc dù đã được các Bộ, ngành Trung ương xem xét, kết luận, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo nhưng địa phương không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không triệt để; sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt, còn biểu hiện sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, thiếu tập trung, thống nhất.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành khu vực miền Bắc kiên quyết ngăn chặn phát sinh KNTC phức tạp phát sinh mới, nhất là những vụ việc KNTC đông người; quan tâm, phối hợp giải quyết triệt để KNTC phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP.

 

 

 Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 

 

Đồng thời, tiếp tục quán triệt Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, Nghị quyết 39 của Quốc hội và Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết KNTC; chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, yếu kém thực hiện pháp luật, trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; coi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhiệm vụ của ngành Thanh tra và chính quyền các cấp; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, trước hết là Chủ tịch UBND các cấp và Thủ trưởng các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là nâng cao chất lượng tiếp công dân lần đầu.

“Tăng cường phối hợp, tạo sự đồng thuận, nhất quán trong giải quyết KNTC; mạnh dạn sửa sai; chủ động kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn khiếu kiện đông người, vượt cấp; xử lý nghiêm những trường hợp kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối. Thực hiện tốt quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật; các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng; chủ động tích cực phối hợp với Bộ, ngành, nhất là Thanh tra Chính phủ trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật về KNTC; thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng; đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền; đúng chính sách, pháp luật, phù hợp thực tế.

Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với địa phương để xảy ra KNTC đông người, phức tạp; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm và thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC./.

Hoàng Minh