SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
6
3
4
3
5
Ban quản lý dự án POSCIS/TP. HCM 02 Tháng Mười 2012 8:35:00 SA

(TTTP) Đề án phát triển đường chức nghiệp của nữ công chức, thanh tra viên ngành thanh tra TP. HCM giai đoạn 2012-2020

 

I.        Sự cần thiết của việc xây dựng Đề án:

Cùng với sự phát triển của xã hội, vị trí và vai trò của Phụ nữ cũng có nhiều thay đổi. Với sự nổ lực không ngừng trong học tập, sự tự tin và khẳng định của bản thân, vai trò Phụ nữ càng được nâng cao khi tham gia các hoạt động của xã hội để trở nên bình đẳng với nam giới và nâng cao vị thế xã hội của mình nhất là đối với người Phụ nữ trí thức.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011 và một số văn bản pháp luật quan trọng khác, một mặt thể hiện vai trò to lớn của công tác thanh tra đối với nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mặt khác, đặt tòan ngành Thanh tra trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới phức tạp hơn, nặng nề hơn.

Hiện nay trong tổng số 926 công chức ngành thanh tra có 313 công chức nữ (chiếm tỷ lệ 33,8%). Do đó, việc quan tâm đào tạo, xây dựng một Đề án cùng các tiến trình cụ thể nhằm phát triển đường chức nghiệp của nữ cán bộ, công chức để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Đề án được xây dựng là cơ sở để lãnh đạo ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nữ trong quá trình phát triển và cũng là động lực để đội ngũ cán bộ, công chức nữ ngành thanh tra thành phố Hồ Chí Minh phấn đầu và cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho thành tích chung của ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh.

II.      Phạm vi, Đối tượng, mục tiêu của Đề án:

1.       Phạm vi: Đề xuất các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, quy họach, bổ nhiệm cho đội ngũ công chức, thanh tra viên nữ ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh.

2.       Đối tượng: Công chức, thanh tra viên nữ ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh

3.       Mục tiêu:

- Phát huy vai trò và tiềm năng của đội ngũ công chức, thanh tra viên nữ ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, tạo tiền đề thực hiện bình đẳng giới trong ngành một cách toàn diện, góp phần phát huy nguồn nội lực quan trọng, tạo sự vững mạnh trong họat động, bền vững trong tổ chức.

- Góp phần xây dựng đội ngũ công chức, thanh tra viên nữ chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, có đủ năng lực xây dựng  Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiên tiến, hiện đại

- Thực hiện có hiệu quả mục tiêu cụ thể “Đổi mới công tác quản lý cán bộ nhằm thu hút nhân tài và tránh những rủi ro của tình trạng biến động về đội ngũ cán bộ”, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung “Xây dựng ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”  của Dự án “Tăng cường năng lực tổng thể ngành thanh tra thành phố Hồ Chí Minh giai đọan 2009 – 2014”.

4. Căn cứ thực hiện Đề án:

1. Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 13 tháng 3 năm 2008 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Quyết định số 2603/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế họach triển khai thực hiện nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ giai đọan đến năm 2020 thực hiệnNghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị.

3. Quyết định số 4249/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ chí Minh về ban hành Chương trình thực hiện Chiến lựơc Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đọan 2011 – 2020.

4. Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế họach thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố Hồ Chí Minh giai đọan 2011 – 2015.

III.          Các giải pháp chung:

-          Tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến Phụ nữ nhằm thay đổi nhận thức về giới cho ngành Thanh tra thành phố một cách tòan diện và sâu sắc.

-          Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho công chức, thanh tra viên nữ phát huy năng lực trên các lĩnh vực công tác của ngành.

-          Xây dựng cơ sở pháp lý nền tảng trong công tác quy họach, bổ nhiệm cho công chức, thanh tra viên nữ ngành Thanh tra thành phố.

IV.          Nội dung thực hiện đến năm 2020:

1.       Công tác đào tạo, bồi dưỡng:

1.1      Chỉ tiêu:

-    Tỷ lệ công chức, thanh tra viên nữ ở thanh tra thành phố, quận, huyện, sở, ngành được đào tạo, nâng cao trình độ thạc sỹ đạt 15%.

-    Tỷ lệ công chức, thanh tra viên nữ ở thanh tra thành phố được đào tạo, nâng cao trình độ tiến sỹ đạt 7%.

-    Tỷ lệ công chức, thanh tra viên nữ ở thanh tra quận, huyện, sở, ngành được đào tạo, nâng cao trình độ tiến sỹ đạt 5%.

-    Tỷ lệ công chức nữ thanh tra thành phố, quận, huyện, sở ngành được đào tạo, bồi dưỡng quản lý nhà nước, nghiệp vụ thanh tra để bổ nhiệm thanh tra viên đạt trên 80%.

-    Tỷ lệ thanh tra viên nữ thanh tra thành phố, quận, huyện, sở ngành được đào tạo, bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, nghiệp vụ thanh tra viên chính đạt 20% trong tổng số thanh tra viên.

-    Tỷ lệ công chức, thanh tra viên nữ được tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng tin học, ngọai ngữ đạt trên 70%.

1.2      Giải pháp thực hiện:

-    Trên cơ sở các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Thành ủy, Trường Cán bộ thanh tra, Trường Cán bộ thành phố, hàng năm xây dựng kế họach bồi dưỡng, đào tạo phù hợp, chú trọng đội ngũ công chức nữ trẻ, có triển vọng.

-    Tổ chức các lớp bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu, tình hình của cơ quan.

2.       Công tác quy họach, bổ nhiệm đến năm 2012:

2.1. Chỉ tiêu:

- Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo cấp phòng tại Thanh tra thành phố đạt 50% trong tổng số cán bộ lãnh đạo cấp phòng.

- Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo tại thanh tra quận, huyện, sở, ngành đạt trên 45% trong tổng số Chánh, Phó Chánh Thanh tra.

2.2. Giải pháp thực hiện:

- Xây dựng tiêu chí quy họach phù hợp, ưu tiên điều kiện cho công chức, thanh tra viên nữ (về độ tuổi, mức độ đóng góp vào họat động của cơ quan…).

- Công chức, thanh tra viên nữ trong danh sách quy họach được ưu tiên tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng đủ điều kiện trong việc phát triển, bổ nhiệm.

- Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Thanh tra thành phố, Ban nữ công, Tổ công đòan tại Thanh tra quận, huyện, sở, ngành chú trọng công tác giám sát và thúc đẩy việc giới thiệu nhân sự nữ vào quy họach và bổ nhiệm vào các vị trí cán bộ chủ chốt tại đơn vị. Xây dựng kế họach họat động sinh động, tạo điều kiện để công chức, thanh tra viên nữ tham gia và khẳng định vai trò.

3. Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ:

3.1. Chỉ tiêu: Đến năm 2020, 100% công chức ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh được phổ biến, tuyên truyền và tiếp cận các chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và sự phát triển phụ nữ.

3.2 Giải pháp thực hiện:

- Phối hợp với Sở Tư pháp để tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

- Cập nhật văn bản trên trang web của cơ quan, đơn vị.

V. Tổ chức thực hiện:

1. Thanh tra thành phố:

-  Ban hành Đề án chính thức.

- Tổ chức tập huấn để triển khai đến Thanh tra quận, huyện, sở, ngành.

- Lồng ghép nội dung Đề án vào Chương trình, kế hoạch đào tạo, tổ chức hàng năm.

2. Thanh tra quận, huyện, sở, ngành:

- Lồng ghép nội dung Đề án vào Chương trình, kế hoạch đào tạo, tổ chức hàng năm.

- Triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phù hợp với đặc điểm của đơn vị.

Đề án phát triển đường chức nghiệp của nữ công chức, thanh tra viên ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh được phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện.

Tải file đính kèm:

1. Đề án

2. Báo cáo khảo sát

3. Góp ý thảo luận

 

 

Kiên Trúc

 


Số lượt người xem: 5020    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm