SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
3
9
3
0
6
Tin tức sự kiện 07 Tháng Giêng 2013 1:30:00 CH

(TTTP) Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng ngành Thanh tra ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và xứng đáng với niềm tin của nhân dân

 

Quang cảnh hội nghị trực tuyến

 

 

   Ngày 04/01/2013, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng (PCTN), công tác xây dựng ngành Thanh tra năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2013. Tới dự có Uỷ viên Bộ Chính trị- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, đại diện Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban dân nguyện Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Phó Tổng  Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Thanh tra các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu truyền hình trong cả nước. Tại điểm cầu truyền hình TP.Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch UBNDTP Lê Minh Trí, lãnh đạo Cục giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực III (Cục III), Chánh Thanh tra TP.Hồ Chí Minh, cán bộ, thanh tra viên Cục III, Thanh tra thành phố, Thanh tra các quận, huyện của TP.Hồ Chí Minh.

    Những con số ấn tượng.

   Sau lời phát biểu khai mạc chào mừng hội nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đã trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết công tác ngành  Thanh tra năm 2012 và triển khai nhiệm vụ thanh tra năm 2013. Báo cáo nêu rõ: Trong năm 2012, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 9.685 cuộc thanh tra hành chính và 168.702 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực tài nguyên môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản, văn hóa, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông... kiến nghị thu hồi cho nhà nước 29.860 tỷ đồng, 1.533 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 13.085 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 31.130 tỷ đồng, kiến nghị kỷ luật hành chính 1.033 tập thể, 2.212 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 59 vụ việc 104 người. Tính đến nay, toàn ngành đã thu hồi 15.346 tỷ đồng, 1.275 ha đất và kiến nghị xử lý khác đã thu 21.549/31.130 tỷ đồng.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ thực hiện 46 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai của một số địa phương, quản lý sử dụng vốn, tài sản của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành...đã ban hành 24 kết luận thanh tra, kiến nghị thu hồi 17.750 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 29.562 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 48 ha đất; rà soát, xử lý 5.862 ha; chuyển cơ quan điều tra 8 vụ việc. So với các năm trước, kết quả phát hiện sai phạm về số vụ, số tài sản lớn hơn, kiến nghị sau thanh tra đạt kết quả cao hơn. Kết quả công tác thanh tra của toàn ngành đã góp phần tích cực cho việc phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực, được dư luận đánh giá cao.

  Các cơ quan nhà nước đã tiếp 384.992 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), tiếp nhận 126.824 đơn. Với sự nỗ lực cao của toàn ngành, tính đến cuối năm 2012, đã tham mưu giải quyết 54.786/64.150 đơn thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,4%. Qua công tác giải quyết KNTC, các cấp, các ngành đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 146,584 tỷ đồng, 92 ha đất, trả lại cho tập thể và công dân 223,885 tỷ đồng, 384 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 841 người, chuyển cơ quan điều tra 69 vụ việc, với 246 người.

  Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh ra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 1130/KH-TTCP về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đến thời điểm hiện nay, đã rà soát 528/528 vụ việc, trong đó 415 vụ việc đã xem xét đủ điều kiện để chấm dứt KN hoặc chấm dứt xem xét, thụ lý (chiếm 78,59%), 41 vụ việc đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng công dân tiếp khiếu cần xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ (chiếm 7,76%), 39 vụ việc Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đang thống nhất phương án giải quyết (chiếm 5,49%), 42 vụ việc giao các địa phương tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.

   Về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), ngành Thanh tra đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án chiến lược truyền thông về PCTN đến năm 2020; tổ chức 2 kỳ đối thoại PCTN với các nhà tài trợ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. ..Đến nay cơ bản hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập: Kê khai lần đầu đạt 98,2%, kê khai bổ sung đạt 97,6%; tăng cường kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị. Từ đó, ngành đã phát hiện 125/8.634 đơn vị vi phạm, chuyển đổi vị trí công tác 24.246 cán bộ, công chức (CBCC). Ngành Thanh tra phát hiện 88 vụ tham nhũng với 107 người sai phạm, 104, 592 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 24 vụ 42 người.

 Công tác xây dựng thể chế được quan tâm, có hiệu quả, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCTN; trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định về thanh tra chuyên ngành, hướng dẫn thi hành Luật KN, Luật TC và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về cơ quan, tổ chức của thanh tra Chính phủ.

 Tuy nhiên, hoạt động của ngành Thanh tra cũng còn những hạn chế, đó là : Một số cuộc thanh tra còn kéo dài thời gian kết luận, số vụ việc tham nhũng phát hiện qua thanh tra còn ít, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua thanh tra còn thấp, việc thực hiện quyết định giải quyết KNTC có hiệu lực pháp luật chưa triệt để, tình hình KN đông người, vượt cấp tăng và có một số thời điểm khá phức tạp. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao, mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng chưa đạt được. Một số cán bộ thanh tra chưa chấp hành tốt đạo đức nghề nghiệp thanh tra, kỹ năng, tác phong chưa đạt yêu cầu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra chậm được đổi mới.

     Hoàn thành rà soát các vụ KNTC tồn đọng trong quý 2/2013.

     Thực hiện chủ trương của Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề ra phương hướng, nhiệm vụ với mục tiêu là toàn ngành nỗ lực phấn đấu, tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao, cụ thể là:

  Thực hiện có hiệu quả thanh tra theo chương trình, kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất. Nội dung thanh tra hành chính phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản công, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường vàng, quản lý sử dụng đất, nhà ở, quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp nhà nước...

   Hoạt động thanh tra, kiểm tra hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, kiến nghị về cơ chế, chính sách, thúc đẩy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải cách hành chính; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thực hiện theo kết luận thanh tra, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 70%.

  Tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm trong tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, tăng cường phối hợp trong xử lý khiếu kiện đông người, tập trung giải quyết dứt điểm 528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trong quý 1/2013; giải quyết kịp thời trên 85% số vụ việc mới phát sinh, hạn chế KN vượt cấp và đoàn KN đông người; thực hiện quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật trên 80%. Thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tiếp công dân, giải quyết KNTC.

  Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung về một số điều của Luật PCTN, nhất là quan tâm thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, tăng cường phát hiện, nhằm chặn, xử lý tham nhũng qua thanh tra, xử lý tố cáo. Tổ chức đối thoại về PCTN với các nhà tài trợ, tiếp tục thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, tích cực đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về PCTN.

  Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, tăng cường quan hệ phối hợp với các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong công tác, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém qua kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, gắn với việc thực hiện tốt Chỉ thị 345/CT-TTCP của Tổng Thanh tra, tăng cường giám sát nội bộ, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ...

   Tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài; Vụ trưởng Vụ III Ngô Văn Cao, trình bày Báo cáo thanh tra chuyên đề diện rộng về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008- 2012. Không khí hội nghị trở nên sôi nổi là các phát biểu góp ý cho bản Báo cáo tổng kết của Thanh tra Chính phủ, các kiến nghị, đề xuất và vướng mắc trong hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC, việc triển khai thực hiện Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Hậu Giang, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục đào tạo, Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế... Phó Chủ tịch UBNDTP Lê Minh Trí đã nhấn mạnh những kết quả đạt được của TP.HCM trong công tác thanh tra kinh tế- xã hội, giải quyết KNTC- nhất là các vụ KNTC tồn đọng, bức xúc, kéo dài trên địa bàn thành phố. TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực KNTC đối với các trường hợp lợi dụng quyền KN để gây rối, vu khống, bịa đặt, làm mất an ninh trật tự xã hội, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc kích động, tổ chức tụ tập KN đông người và giải quyết KN đông người. Tổng Thanh tra kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế Chủ tịch UBNDTP được ủy quyền cho cấp phó hoặc Giám đốc sở, ngành có liên quan đối thoại với người KN trong việc giải quyết KN lần 2, nhằm đẩy nhanh kết quả giải quyết KNTC của công dân. Thanh tra Chính phủ có hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, vì hiện nay quy định tại khoản 6 Điều 30 của Nghị định số 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ có mâu thuẫn với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và Luật Thanh tra năm 2010. Thanh tra Chính phủ có hướng dẫn cụ thể tại khoản 7 Điều 54 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và hướng dẫn tại văn bản số 178/TANDTC-HC ngày 3/11/2011 của Tòa án nhân dân tối cao trao đổi nghiệp vụ về người đại diện trong Tố tụng hành chính lại cho rằng "Thanh tra là cơ quan tham mưu, giúp việc của UBND cùng cấp" (Nghị định 13/2008/NĐ-CP).

   Ngành Thanh tra nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao

   Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của ngành Thanh tra, phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg và Kế hoạch 1130, thực hiện có hiệu quả thông báo Kết luận số 130-TB/TW của Bộ Chính trị, giảm số lượng đơn thư, giảm số vụ việc KNTC, góp phần giữ vững ổn định vào thành công năm 2012 của đất nước. Nguyên nhân là do có sự chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần đổi mới của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương thành tích, cố gắng của ngành Thanh tra trong năm 2012. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những mặt hạn chế, cụ thể là: Một số vụ việc thanh tra còn chậm, chất lượng chưa cao, chưa thuyết phục, thu hồi còn thấp. Kết luật thanh tra chưa đủ răn đe, chưa thật kiên quyết. Phối hợp trong tiếp công dân, giải quyết KNTC chưa tốt, giải quyết một số vụ chưa đúng pháp luật, chưa được sự đồng thuận, gây bức xúc trong nhân dân, số vụ khiếu kiện đông người tăng trong thời điểm có những sự kiện chính trị quan trọng. Công tác PCTN còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Về nhiệm vụ công tác năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ công tác Thanh tra cần đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sai phạm; kết luận khách quan, chính xác, kịp thời, nghiêm khắc, công khai, minh bạch, nhiều cuộc thanh tra kết luận sai phạm rất nghiêm trọng nhưng chưa thu hồi được; kiến nghị với Chính phủ bịt những lỗ hổng, những khiếm khuyết pháp luật.

Về giải quyết KNTC ngành cần đề cao trách nhiệm trong tiếp công dân, chú trọng công tác hòa giải và tập trung giải quyết dứt đểm 528 vụ, hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp, không để xảy ra "điểm nóng". Thanh tra Chính phủ chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai Luật PCTN, tiến hành đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, đấu tranh mạnh hơn, các biện pháp quyết liệt hơn, nếu phát hiện tham nhũng phải chuyển ngay sang cơ quan điều tra.

Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thiện bộ máy, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, không để CBCC trong ngành vi phạm, quản lý tốt các Đoàn thanh tra, chống tiêu cực ngay trong Đoàn thanh tra. Xây dựng ngành Thanh tra ngày càng vững mạnh, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Thanh tra Chính phủ phối hợp tốt hơn nữa với các địa phương, các Bộ, ngành: Tài Nguyên Môi trường, Kiểm toán Nhà nước, Công an, Uỷ ban Kiểm tra, báo chí...Có cơ chế phối hợp xử lý vụ việc một cách chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả.

Phó Thủ tướng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cùng bàn bạc, xử lý cho công tác thanh tra năm 2013. Phó Thủ tướng chúc lãnh đạo và CBCC ngành Thanh tra đạt thành tích tốt đẹp trong năm 2013.

  Thay mặt lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, CBCCVC ngành Thanh tra, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, bày tỏ lòng cám ơn Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dự hội nghị và có chỉ đạo sâu sát, trọng tâm, khá toàn diện, để ngành Thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tiếp thu và cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo vào kế hoạch công tác năm 2013 và xin hứa toàn ngành quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2013.

 

 

Ảnh- Hội nghị trực tuyến.

 

 PCT UBND thành phố Lê Minh Trí dự hội nghị trực tuyến

 

 

 

Ngô Quang Tâm


Số lượt người xem: 4238    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm