SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
8
2
1
3
1
Trao đổi nghiệp vụ 04 Tháng Mười Một 2013 9:20:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu Luật Phòng cháy và chữa cháy (Phần 2)

 

   II. Một số nội dung cơ bản

1. Đối tượng áp dụng:

Luật Phòng cháy và chữa cháy được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy:

Việc thực hiện phòng cháy và chữa cháy phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy; trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra; phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả; mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm:

Điều 13 Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định 13 hành vi nghiêm cấm trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy:

- Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

- Cản trở các hoạt động phòng cháy và chữa cháy; chống người thi hành nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy.

- Lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.

- Báo cháy giả.

- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ; vi phạm nghiêm trọng các quy định quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và các tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy đã được Nhà nước quy định.

- Thi công những công trình có nguy hiểm về cháy, nổ mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

- Làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn và lối thoát nạn.

- Các hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

4. Quy định về phòng cháy:                

- Điều 14 đến điều 29: quy định toàn bộ về những biện pháp cơ bản về phòng cháy trong tất cả các lĩnh vực.

- Điều 15: quy định về nội dung đối với các giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trong khi lập quy hoạch, dự án xây dựng mới hay cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp,…theo đó phải nêu rõ địa điểm xây dựng, bố trí các khu, các lô; hệ thống giao thông, đường cấp nước và bố trí hợp lý về địa điểm cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Ngoài ra khi lập dự án, thiết kế xây dựng mới hay cải tạo công trình phải có giải pháp về phòng cháy và chữa cháy; phải xác định cụ thể địa điểm xây dựng, khoảng cách an toàn; hệ thống thoát nạn; hệ thống kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy… Các dự án, thiết kế xây dựng phải được thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy.

5. Quy định về chữa cháy:

- Điều 30 đã quy định về những biện pháp cơ bản nhất trong chữa cháy: huy động nhanh nhất các lực lượng, phương tiện để dập tắt ngay đám cháy, chú trọng tập trung cứu người, tài sản và chống cháy lan; lưu ý việc thống nhất trong chỉ huy, điều hành việc chữa cháy.

- Luật cũng quy định về thông tin báo cháy: phải có số điện thoại báo cháy thống nhất trong cả nước (Điều 32).

- Điều 35, 36 quy định về việc ưu tiên huy động người, nguồn nước, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình để phục vụ cho công tác chữa cháy. Người và phương tiện tham gia chữa cháy được quyền ưu tiên và phải được bảo đảm. Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy được cụ thể hóa trong luật. Luật cũng đề cập tới trách nhiệm khắc phục hậu quả cháy; theo đó phải cấp cứu người bị nạn, cứu trợ, giúp đỡ người bị hại dễ ổn định cuộc sống, tiến hành các biện pháp bảo vệ môi trường, trật tự an toàn xã hội, nhanh chống khôi phục trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác.

- Điều 41 quy định về bảo vệ, khám nghiệm hiện trường và điều tra vụ cháy, lập hồ sơ vụ cháy và xác định nguyên nhân cháy.

6. Về lực lượng phòng cháy và chữa cháy:

Luật quy định 4 lực lượng nồng cốt trong phòng cháy và chữa cháy (Điều 43) đó là:

- Lực lượng dân phòng;

- Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở;

- Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật;

- Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

7. Về phương tiện phòng cháy và chữa cháy:

Luật quy định về phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Điều 50 – Điều 53): việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cụ thể cho từng đối tượng, bảo đảm sẵn sàng chữa cháy kịp thời và có hiệu quả. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tự trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho cơ sở, các loại rừng, phương tiện giao thông cơ giới do mình quản lý. Nhà nước trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Luật cũng quy định việc sản xuất, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

8. Về đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy:

Nhà nước quy định những nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, đó là nguồn kinh phí do nhà nước cấp, thu từ bảo hiểm cháy, nổ, đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật./.

Trần Đình Trữ

Trưởng phòng Pháp chế


Số lượt người xem: 5119    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm