SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
8
2
9
9
1
Trao đổi nghiệp vụ 04 Tháng Mười Một 2013 9:25:00 SA

(TTTP) ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU Thông tư quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo (Phần 2)

 

II. NỘI DUNG THÔNG TƯ

1. Bố cục

Thông tư gồm 4 chương, 24 điều, gồm:

Chương I. Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4)

Chương II. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm (từ Điều 5 đến Điều 9)

Chương III. Nội dung thanh tra trách nhiệm (từ Điều 10 đến Điều 22), gồm 2 mục, là: nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo; nội dung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác giải quyết tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tố cáo.

Chương IV. Điều khoản thi hành (Điều 23 và Điều 24)

2. Một số nội dung chủ yếu của Thông tư

Chương I. Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4)

Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, đối tượng thanh tra và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

- Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư:

Thông tư này tập trung quy định và hướng dẫn thẩm quyền thanh tra trách nhiệm; nội dung thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo; trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Thông tư không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật tố cáo mà chỉ quy định mang tính dẫn chiếu tới Luật Thanh tra và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.

Thông tư đã nêu rõ đối tượng áp dụng của Thông tư là Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra khi thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tố cáo; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm thực hiện pháp luật về tố cáo; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân khác có liên quan.

- Về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước (Điều 3) và trách nhiệm của đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan (Điều 4)

Để làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện trong quá trình thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tố cáo cũng như đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Thông tư đã quy định mang tính nguyên tắc cơ bản: Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo; giải quyết khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời kiến nghị của Đoàn thanh tra; kết luận và tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo.

Chương II. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm (từ Điều 5 đến Điều 9)

Với mỗi cấp khác nhau thì thẩm quyền thanh tra trách nhiệm khác nhau. Trong mỗi cuộc thanh tra đều phải xác định đối tượng thanh tra và đối tượng có liên quan tới cuộc thanh tra. Thông tư đã hướng dẫn cụ thể thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của từng cấp, ngành cũng như hướng dẫn cụ thể việc xác định các cơ quan, đơn vị được thanh tra trong mỗi cấp, ngành để giúp cho Đoàn thanh tra đỡ lúng túng khi tiến hành thanh tra, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành các quy định về thanh tra. Thông tư quy định thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ (Điều 5); của Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 6); của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 7); Thanh tra Sở (Điều 8) và Điều 10 quy định về thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Chương III. Nội dung thanh tra trách nhiệm (từ Điều 10  đến Điều 22)

Căn cứ vào các quy định của pháp luật về tố cáo, nội dung thanh tra trách nhiệm trong Thông tư được quy định thành 2 mục.

Nguyên tắc xác định nội dung thanh tra trách nhiệm theo hướng thanh tra để đánh giá toàn diện các mặt công tác xem xét, giải quyết tố cáo hoặc thanh tra nhằm chấn chỉnh kịp thời một khâu của công tác xem xét, giải quyết tố cáo hoặc thanh tra đột xuất để giải quyết những trường hợp phát sinh về một vấn đề nào đó của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra.

Mục tiêu của cuộc thanh tra trách nhiệm nhằm hướng dẫn đầy đủ các nội dung thanh tra về thực hiện các quy định pháp luật về tố cáo, định hướng cho việc xác định các nội dung cần nhận xét, đánh giá về các mặt hoạt động của đối tượng thanh tra, làm căn cứ cho việc kết luận về các thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm, về trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những thiết sót, khuyết điểm, sai phạm xảy ra, hướng tới đề xuất các biện pháp khắc phục.

Mục 1 Chương III của Thông tư quy định về nội dung thanh tra trách nhiệm việc thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo, bao gồm: thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; thời hạn giải quyết tố cáo; xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; về công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; về xử lý vụ việc tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài; phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng tố cáo vè một nội dung; bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.

Mục 2 Chương III quy định về nội dung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác giải quyết tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tố cáo, gồm: thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về tố cáo theo thẩm quyền; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tố cáo; thanh tra trách nhiệm; chế độ thông tin, báo cáo, quản lý và lưu trữ hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm.

Chương IV. Điều khoản thi hành (Điều 23 và Điều 24)

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2013

Thông tư cũng quy định nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản ánh kịp thời về Thanh tra Chính phủ để được hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung./.

Trần Đình Trữ

Trưởng phòng Pháp chế TTTP

 


Số lượt người xem: 2936    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm