Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong 6 năm thi hành Luật Thanh tra, các cơ quan Thanh tra đã tiến hành 11.803 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm kinh tế số tiền 180.285,43 triệu đồng và 5.834,41 ha đất cùng nhiều sai phạm khác. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 110.668,95 triệu đồng và 5.626, 94 ha đất, kiến nghị xử lý khác 69.616,48 triệu và 207,47 ha đất, kiến nghị chuyển điều tra 18 vụ 26 đối tượng, quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 39.402,55 triệu đồng cùng nhiều biện pháp xử lý khác.


Nhìn chung, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Thanh tra Chính phủ; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, việc triển khai thi hành Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, công tác quản lý kinh tế, xã hội và công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Cơ cấu tổ chức ngành Thanh tra ngày càng được củng cố và kiện toàn, đặc biệt là đối với Thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra cấp huyện; cán bộ, công chức ngành Thanh tra không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. 


Thông qua hoạt động thanh tra đã phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn tồn tại một số hạn chế, cụ thể: Còn xảy ra chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; chồng chéo giữa thanh tra với Kiểm toán Nhà nước, giữa thanh tra với các cơ quan giám sát dân cử... nhưng cũng có những lĩnh vực bỏ trống và buông lỏng. Việc ban hành kết luận thanh tra còn chậm so với quy định, một số kết luận của các sở, huyện chất lượng còn thấp, một số kết luận thanh tra chưa xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị xử lý các sai phạm, công tác đôn đốc xử lý sau thanh tra ở một số địa phương vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời, quyết liệt.


Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ - Nguyễn Văn Thanh làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Những hạn chế trên xuất phát từ sự bất cập về các quy định của pháp luật, không ngăn chặn chồng chéo ngay từ khi xác định chức năng nhiệm vụ quyền hạn của từng cơ quan của từng loại việc, chưa phân biệt rõ ràng giữa thanh tra và kiểm tra giữa kiểm tra và kiểm toán về phạm vi, đối tượng, giá trị pháp lý; chưa làm rõ tiêu chí, đối tượng, phạm vi hoạt động giữa Thanh tra Bộ và Thanh tra sở giữa Thanh tra sở và Thanh tra chuyên ngành. Quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa rõ về pháp lý và quy trình phối hợp, nên việc thành lập đoàn thanh tra liên ngành chủ yếu lệ thuộc vào sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp. Hơn nữa, tính hệ thống của thanh tra bị phá vỡ, liên kết trong ngành thiếu chặt chẽ làm cho cơ quan thanh tra phụ thuộc quá lớn vào cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, điều này ảnh hưởng phần nào đến tính chủ động, độc lập trong hoạt động thanh tra. Luật thanh tra chưa có có quy định chế tài trong việc thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị thanh tra vì vậy việc xử lý các đối tượng không thực hiện kết luận thanh tra gặp rất nhiều khó khăn.


Để khắc phục những tồn tại khó khăn trong việc thực hiện Luật Thanh tra, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan thanh tra có tính độc lập cao hơn so với quy định hiện hành trong Luật Thanh tra năm 2010; quy định cụ thể về số lượng biên chế cho từng cấp để đáp ứng cho hoạt động thanh tra thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; quy định hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra đối với doanh nghiệp của Nhà nước, phân định rõ phạm vi thanh tra của Thanh tra Bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra tỉnh với Thanh tra sở khi tiến hành thanh tra doanh nghiệp theo phạm vi quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp. Đồng thời, ban hành quy trình về xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra; trong đó có kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp để thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.


Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ quy định việc phối hợp xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán giữa Thanh tra Bộ, ngành, địa phương với Kiểm toán các khu vực thuộc Kiểm toán Nhà nước. Quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra liên ngành có liên quan đến việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm.


Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã là cần thiết, vì vậy để đưa Ban thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị tách Ban này ra khỏi Luật Thanh tra và hình thành nên Luật Giám sát nhân dân hoặc đưa Ban thanh tra vào Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, kinh phí hoạt động của Ban thanh tra nên đưa về một đầu mối là Mặt Trận Tổ quốc tỉnh cấp theo theo định mức, tiêu chuẩn và khối lượng công việc cụ thể, hiện tại kinh phí Ban Thanh tra nhân dân hoạt động phụ thuộc vào Thủ trưởng cơ quan cùng cấp thì rất khó trong xử lý các vụ việc.

Đình Thuyết