Theo Báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra 2010 được nêu tại Hội nghị, qua 6 năm thi hành Luật Thanh tra, các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức của cơ quan thực hiện đúng chức năng thanh tra; công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra và điều phối, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra và theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; hoạt động kiểm tra tính chính xác, tính hợp pháp của kết luận thanh và hoạt động thanh tra lại. 

Luật Thanh tra năm 2010 đã xác định được rõ các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiện nay; qua đó, tạo sự thông suốt từ Trung ương đến địa phương, phát huy được vị trí, vai trò hoạt động thanh tra trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, tạo khung pháp lý quan trọng để tăng cường tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan thanh tra, Thủ trưởng các cơ quan thanh tra trong việc ra quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý trong hoạt động thanh tra.

 

Tại Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra 2010, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra một số giải pháp hoàn thiện Luật Thanh tra và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Cụ thể, Thanh tra tỉnh đề xuất quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp và cơ quan thanh tra trong việc phê duyệt chương trình thanh tra, ra quyết định thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra cũng như việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, sửa đổi Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 09/2/2012 theo hướng tập trung, thống nhất và hoàn thiện các quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Theo đó, Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể về bộ phận tham mưu, cán bộ, biên chế của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (đặc biệt về thanh tra thường xuyên, trình tự, thủ tục của hoạt động thanh tra chuyên ngành).

 

Mặt khác, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra đề xuất về việc quy định cụ thể hơn đối tượng thanh tra, nội dung thanh tra mà thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra, cũng như đối tượng, nội dung mà thanh tra hành chính tiến hành thanh tra kinh tế - xã hội và thanh tra việc chấp hành pháp luật để tránh chồng chéo hoặc bỏ lọt các vi phạm không thanh tra. Ngoài ra, cần quy định rõ về sự kế thừa kết luận thanh tra và kiểm toán, cách thức phối hợp, xây dựng kế hoạch trong thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan trong hệ thống thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành với các cơ quan có chức năng kiểm tra khác như Công an, Ban Kiểm tra Đảng, đặc biệt là Kiểm toán nhà nước.

 

  • Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra tại Thanh Hóa (Ảnh: Thanh tra tỉnh Thanh Hóa)
     

Tổng kết Hội nghị, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Bá Nhuần đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả, đóng góp của toàn ngành Thanh tra tỉnh trong công tác thanh tra nói chung và thực hiện thi hành Luật thanh tra 2010 nói riêng. Qua đây, cũng bày tỏ mong muốn toàn thể cán bộ công chức ngành thanh tra Thanh Hóa cần rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn hơn nữa để phù hợp với yêu cầu của công việc, chủ động triển khai, thực hiện thật tốt nhiệm vụ được giao./.

Quỳnh An