SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
7
1
3
0
4
Tin Thanh Tra 04 Tháng Tư 2016 3:25:00 CH

(TTTP) Điểm tin báo ngày 04 tháng 4 năm 2016 liên quan đến ngành Thanh tra

 

1. Khi lãnh đạo trực tiếp giải quyết khiếu nại: Trong những năm gần đây, công tác tiếp công dân trực tiếp xem xét giải quyết khiếu nại đã được lãnh đạo chính quyền các cấp tại TPHCM và cả lãnh đạo Thành ủy, HĐND TPHCM quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, đã tồn đọng kéo dài nhiều năm, nay đã được tháo gỡ, giải quyết ổn thỏa.

Những vụ khiếu nại tồn đọng nhiều năm

Tháng trước, ngày 25-2-2016, đồng chí Lê Thanh Hải, đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, đã tiếp dân xét giải quyết 2 vụ việc khiếu nại có yếu tố lịch sử phức tạp do sự bất cập của pháp luật để lại, có vụ tồn đọng kéo dài suốt từ năm 1981 đến nay. Sau khi nghe ông Võ Văn Khuyến (ngụ tại quận 6) trình bày khiếu nại về việc ông đã mua khu đất của Xí nghiệp Chế biến lâm sản quận 6 từ năm 1990, có giấy tờ đầy đủ, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng chí Lê Thanh Hải đã tham khảo ý kiến của đại diện Sở Tài chính, Sở TN-MT và UBND TPHCM, và đi đến sự đồng thuận trong các giải quyết. Cuộc tiếp dân chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã tháo gỡ nút thắt cho vụ khiếu nại hơn 20 năm. Vụ tranh chấp giữa bà Thái Thị Thu và Nguyễn Thị Thanh Ngọc (ngụ tại quận 5) xung quanh việc sử dụng ngôi nhà số 44 Học Lạc (quận 5) cũng được giải quyết dứt điểm, tình - lý phân minh.

Trước đó, tháng 11-2015, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang đã có cuộc tiếp, xét giải quyết vụ khiếu nại của các ông Nguyễn Kiêm, Nguyễn Văn Hạnh, Đặng Văn Vượng và Nguyễn Văn Hiền xung quanh việc tái định cư tại phường 22, quận Bình Thạnh, đã tồn đọng nhiều năm. Những người khiếu nại không đồng tình với quyết định giải quyết của UBND quận Bình Thạnh buộc họ phải nộp thêm tiền đối với phần diện tích vượt chuẩn khi cấp nền đất tái định cư. Với tinh thần giải thích cho dân rõ, đối thoại để dân thông, cuộc gặp, đối thoại của lãnh đạo TPHCM đã tạo ấn tượng tốt cho những người khiếu nại. Mặc dù không phải nội dung khiếu nại nào cũng được giải quyết theo như yêu cầu của người khiếu nại, nhưng đã thực sự làm cho những người khiếu nại cảm thấy được xem xét giải quyết công tâm, chân thành và có trách nhiệm, tháo được nút thắt kéo dài nhiều năm.

Có thể nói, khi lãnh đạo trực tiếp vào cuộc, vụ khiếu nại phức tạp đến đâu cũng tìm được câu trả lời. Đạt được hiệu quả như vậy là do huy động được sự phối hợp tham gia tích cực của các ngành - sở chức năng liên quan và có sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Uy tín, năng lực, kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước và vị thế của người đứng đầu cũng là yếu tố quan trọng để người khiếu nại thực sự “tâm phục khẩu phục”.

Lợi ích của việc công khai

Sự vào cuộc của lãnh đạo TPHCM không chỉ trực tiếp giải quyết dứt điểm khiếu nại trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng cho người dân, mà còn tạo động lực trong việc thực thi các quy định pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo… Việc công khai, mở rộng thành phần tham dự các buổi giải quyết khiếu nại do lãnh đạo TPHCM chủ trì giải quyết sẽ góp phần tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức cho người dân và cán bộ làm nhiệm vụ giải quyết khiếu nại.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Cục trưởng Cục III (Thanh tra Chính phủ), hiện nay có đến 80% vụ khiếu nại liên quan đến nhà đất. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ khiếu nại về đất đai nhiều, một phần là do bất cập về quy định, có quá nhiều văn bản điều chỉnh lĩnh vực đất đai, ngoài ra còn có nguyên nhân từ chính các cơ quan chức năng. Thực tế đã xảy ra những trường hợp cùng một vấn đề nhưng cán bộ các quận - huyện lại có cách hiểu và áp dụng khác nhau, nên người dân bức xúc, dẫn đến khiếu nại kéo dài. Vì thế, khi cán bộ quận - huyện được thông tin về các buổi giải quyết khiếu nại do lãnh đạo TPHCM trực tiếp chủ trì sẽ biết được quan điểm chung xử lý vụ việc. Kết quả của những buổi giải quyết như vậy sẽ là chuẩn mực chung để áp dụng trong giải quyết khiếu nại cho người dân đối với những tình huống tương tự, tránh được tình trạng cùng một nội dung mà mỗi nơi giải quyết một kiểu.

Theo luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam), cần công khai hơn nữa các buổi giải quyết khiếu nại do lãnh đạo chủ trì. Trong lĩnh vực tư pháp, án lệ đang được áp dụng. Đối với lĩnh vực hành chính, cũng cần có “án lệ” trong giải quyết khiếu nại, mà cụ thể là những cách giải quyết khiếu nại do lãnh đạo chủ trì. Do vậy, việc công khai thông tin về các buổi lãnh đạo trực tiếp giải quyết khiếu nại đem đến lợi ích thiết thực cho người dân và cơ quan giải quyết. Thông qua cách giải quyết của chính quyền, người dân đưa ra quyết định có khiếu nại hay không, khiếu nại nội dung gì và nộp đơn ở đâu. Đối với các cơ quan giải quyết khiếu nại, thì đây cũng là cơ sở để họ mạnh dạn giải quyết vụ việc, không đùn đẩy lên cấp trên.

(Theo Báo Sài Gòn giải phóng online lúc 12g54 ngày 01/4/2016).

2.Khiếu nại việc kỷ luật cán bộ, công chức:Luật Khiếu nại và các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể đã cụ thể hóa các quy định liên quan đến khiếu nại. Luật Khiếu nại cũng có thể vận dụng khi cán bộ, công chức (CBCC) làm việc tại các cơ quan hành chính và đơn vị hành chính sự nghiệp cần khiếu nại quyết định kỷ luật CBCC.

Áp dụng quy định tại Điều 2 và Điều 47 Luật Khiếu nại, người có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật CBCC chính là CBCC bị áp dụng các hình thức kỷ luật, khi có căn cứ cho rằng quyết định kỷ luật đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nguyên tắc chung quan trọng là bất cứ khiếu nại hành chính nào, kể cả quyết định kỷ luật đều phải được thực hiện bằng văn bản, mà cụ thể là đơn khiếu nại. Thời hiệu để thực hiện quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật là 15 ngày kể từ ngày CBCC nhận được quyết định kỷ luật.

Trước khi đưa ra quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết cần phải xác minh nội dung khiếu nại và phải lập thành văn bản. Sau khi có kết quả xác minh nội dung khiếu nại thì yêu cầu Hội đồng kỷ luật CBCC xem xét để đề nghị người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Bước tiếp theo là tổ chức buổi đối thoại giữa người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và người khiếu nại. Kết quả của cuộc đối thoại là một trong những căn cứ để ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất, nếu không đồng ý với nội dung quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai chính là người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý CBCC. Đối với các quyết định kỷ luật của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh, thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ban hành và không có một cơ chế khiếu nại tiếp theo nào nữa. Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, phương án duy nhất là khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định kỷ luật.

(Theo Báo Sài Gòn giải phóng online lúc 13g14 ngày 01/4/2016).

 


Số lượt người xem: 1469    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm