SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
6
0
2
7
9
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 16 Tháng Năm 2016 9:45:00 SA

(TTTP) Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh - Một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức

  


(ThanhtraVietnam) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng về đạo đức. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức. Người dạy: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân". Phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời.
 
 
 
 
Người để lại rất nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết chuyên về đạo đức. Ngay trong tác phẩm lý luận đầu tiên Người viết để huấn luyện những người yêu nước Việt Nam trẻ tuổi, cuốn Đường Kách mệnh, vấn đề đầu tiên Người đề cập là tư cách người cách mệnh. Tác phẩm sau cùng bàn sâu về vấn đề đạo đức được Người viết nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1969), đăng trên báo Nhân dân là bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong Di chúc thiêng liêng, khi nói về Đảng, Bác cũng căn dặn Đảng phải rất coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
 
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại, cả phương Đông và phương Tây, mà Người đã tiếp thu được trong quá trình hoạt động cách mạng đầy gian lao, thử thách và vô cùng phong phú vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
 
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức, bao gồm: vị trí, vai trò, nội dung của đạo đức; những phẩm chất đạo đức cơ bản và những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới; yêu cầu rèn luyện đạo đức với mỗi người cách mạng.
 
Một trong những yêu cầu rèn luyện đạo đức đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay là kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thực hành dân chủ.
 
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, tham nhũng đang làm cản trở công cuộc kiến thiết đất nước, cản trở sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là kẻ thù nguy hiểm của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: cách mạng là để triệt diệt những cái xấu, xây dựng những cái tốt. Chúng ta làm cách mạng là tiêu diệt triệt để chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới. “Thực dân, phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”.
 
Với quyết tâm đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh chỉ rõ mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là “xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát này, Đại hội đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách có hiệu quả. Trong cuộc đấu tranh này, cần phải nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức; công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức. Tăng cường công tác giám sát, thực hiện dân chủ, tạo cơ chế để nhân dân giám sát các công việc có liên quan đến ngân sách, tài sản của Nhà nước. Rõ ràng, chống tham nhũng là một quyết tâm chính trị lớn của Đảng. Để thực hiện quyết tâm đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tự giác thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính…; thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định. Mỗi cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân phải sống và làm việc theo pháp luật; sáng tạo, kỷ cương trong lao động; tiết kiệm trong lối sống và công việc. Muốn đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra, ngoài việc phát huy tốt các yếu tố nội lực và ngoại lực, thực hiện triệt để, đồng bộ các giải pháp, thì một yếu tố quan trọng và cần kíp là chống tham nhũng.
 
Đi liền với tham nhũng là nạn lãng phí, đó cũng là một thứ giặc nội xâm. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong thời gian qua, do cách tổ chức quản lý chưa tốt của cán bộ nên có không ít nơi để xảy ra tình trạng lãng phí của công đến mức phải cảnh báo. Hồ Chí Minh quan niệm lãng phí của công tuy không lấy của công cho riêng cá nhân như tham nhũng, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho chính phủ, có khi tai hại hơn cả nạn tham nhũng và trộm cướp. Lãng phí của công điển hình là các cơ quan công quyền dùng vật liệu, điện nước một cách phí phạm; các xí nghiệp dùng máy móc và quyên liệu không đúng mức; các cơ quan dùng xe vào mục đích cá nhân, không tiết kiệm xăng dầu; các dự án đầu tư dàn trải không hiệu quả,… Những thứ bệnh đó một phần là do hậu quả của xã hội cũ để lại, do lòng tự tư, tự lợi, ích kỷ, hại dân mà ra. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách nhà nước, làm khủng hoảng kinh tế - xã hội. Cho nên nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước là phải triệt để loại bỏ những căn bệnh đó và tăng cường thực hành tiết kiệm; có như thế mới thực hiện được đạo đức mới, đạo đức cách mạng, mới làm cho dân cường, nước thịnh.
 
Khi nói về vai trò của việc chống lãng phí trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I. Lênin đã từng căn dặn chúng ta là phải thông qua pháp luật để nhổ tận gốc tất cả những hiện tượng lãng phí. Hồ Chí Minh còn lưu ý chúng ta là ngoài vai trò của pháp luật, phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tham ô, lãng phí, để biến “hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng” thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí còn chỗ ẩn nấp, góp phần làm cho Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng thành công.
 
Để làm được những điều này, dứt khoát phải chống bệnh quan liêu vì quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che trở cho nạn tham ô và lãng phí. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào có bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô”. Vì vậy, chống tham ô, lãng phí phải gắn với chống quan liêu và là việc làm cần thiết, thường xuyên. Bệnh quan liêu làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ ta. Nó phá hoại những phẩm chất đạo đức cách mạng mà chúng ta đang xây dựng là: Cần, kiệm, liêm, chính. Thấy được tác hại của căn bệnh này, chúng ta cần phải quyết tâm tẩy sạch nó đi. Cũng như muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ sạch, nuế không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu
 
Nguyên nhân sinh ra quan liêu, từ đó sinh ra tham nhũng, lãng phí là do xa dân, xa rời cuộc sống của nhân dân; vì không tin dân; vì coi thường dân, không thương dân; vì sợ dân. Để chữa bệnh quan liêu, cần phải gần dân, học hỏi ở dân và đặc biệt phải thực hành dân chủ. Dân chủ là dựa vào lực lượng của quần chúng, đi đúng đường lối của quần chúng. Cho nên, “Phong trào chống tham tham ô, lãng phí quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”. Cũng như mọi việc khác, chúng ta phải động viên quần chúng, thực hành dân chủ cho dân, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công, phải làm sao để phát huy được tiếng nói của tất cả các tầng lớp nhân dân, phát huy dân chủ đề phòng và chống có hiệu quả tham ô, lãng phí, quan liêu.
 
Gần 10 năm qua, với sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của các cấp ủy và tổ chức đảng; sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cuộc vận động đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Kết quả triển khai cuộc vận động đã khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
 
Tổng hợp
 
 

Số lượt người xem: 2897    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm