Theo báo cáo của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm, ngành Thanh tra Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ kế hoạch công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Toàn ngành đã triển khai 74 cuộc thanh tra hành chính và 1.468 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; qua thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm 13 tỷ 766,12 triệu đồng; đã kiến nghị thu hồi kinh tế về ngân sách nhà nước 5 tỷ 797,97 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 tỷ 842,6 triệu đồng đồng thời kiến nghị xử lý hành chính đối với 03 tổ chức và 28 cá nhân.


Về công tác tiếp công dân, trên địa bàn tỉnh đã tiếp 1.337 lượt công dân trong đó tiếp 07 đoàn đông người. Nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu đến lĩnh vực đất đai, chính sách hỗ trợ đền bù giải tỏa, cấp nền tái định cư, làm đường giao thông… Trong kỳ tiếp nhận 629 đơn các loại, qua phân loại, xử lý có 112 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Đến nay, đã giải quyết 102/112 vụ  đạt 91,07%.

 

Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của Thanh tra Sóc Trăng 
 

 

Định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục triển khai thực hiện các cuộc thanh tra một cách đồng bộ, đảm bảo đúng kế hoạch được phê duyệt, kết luận chính xác, khách quan; kiến nghị phù hợp, có tính khả thi cao. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các đoàn thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; công khai kết luận thanh tra; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra. 

 

Thực hiện hoạt động thanh tra với phương châm phát hiện, chấn chỉnh, kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai; Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả côngtác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quan tâm tuyên truyền, vận động, đối thoại với công dân; tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo, kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh, tích cực giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ; hạn chế phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp.

 

Bên cạnh đó, về công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/02/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về sự tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, các quy định về công khai, minh bạch của Luật Phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra; khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức và người dân các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

 

Đồng thời, chú trọng công tác xây dựng ngành, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan thanh tra, thường xuyên cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ngành Thanh tra.

Đình Thuyết