Về cơ cấu tổ chức, thanh tra ngành Xây dựng gồm Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng. Thanh tra Bộ Xây dựng có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, thanh tra viên, công chức, được tổ chức thành các phòng nghiệp vụ. Thanh tra Sở Xây dựng có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, thanh tra viên, công chức. So với Nghị định số 46/2005/NĐ-CP thì Nghị định 26/2013/NĐ-CP đã quy định thêm đối tượng công chức trong cơ cấu của Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở, đồng thời cũng quy định cụ thể hơn về thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra ngành Xây dựng.
Chính phủ cũng yêu cầu chấm dứt việc thí điểm thành lập TTXD quận, huyện và TTXD xã, phường, thị trấn tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã lên phương án sắp xếp lại lực lượng TTXD tại quận, huyện, xã, phường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, sẽ bỏ TTXD ở các quận, huyện, xã, phường, sáp nhập toàn bộ lực lượng này vào Thanh tra Sở Xây dựng và được tổ chức thành biên chế các đội.
Riêng Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức các đội đặt tại địa bàn huyện. Theo đó, kể từ khi Nghị định 26/2013/NĐ-CP có hiệu lực, việc thực hiện các quy định tại Quyết định số 89/2007/ ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ chấm dứt.
Hoạt động thanh tra ngành Xây dựng gồm có thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Về thẩm quyền, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Khi cần thiết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng ra quyết định thanh tra theo quy định.
PX Bảo