Sự cần thiết của việc xây dựng Đề án:
Đảng, Nhà nước ta không chỉ chú trọng đến việc đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ, mà còn đưa ra nhiều chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ. Vai trò lãnh đạo của phụ nữ được tăng cường trong các hoạt động quản lý nhà nước. Vị trí của phụ nữ trong xã hội ngày càng được tôn trọng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ nữ không ngừng phấn đấu rèn luyện phẩm chất, đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; tận tâm, nhiệt tình, phấn đấu không mệt mỏi trong công tác đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời rất ít cán bộ nữ có biểu hiện tham nhũng, hối lộ, lạm dụng chức quyền làm trái pháp luật.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và nhà nước về công tác cán bộ nữ, trong những năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức nói chung, trong đó có cán bộ, công chức nữ công tác trong ngành thanh tra được lãnh đạo Thanh tra Thành phố cũng như lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện đặc biệt quan tâm thực hiện. Vì thế, đội ngũ cán bộ công chức nữ của ngành thanh tra thành phố được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Công tác quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ, công chức nữ ngành thanh tra sau đào tạo đã được chú trọng. Đó là một trong những động lực quan trọng để cán bộ, công chức nữ của ngành ngày càng tự tin, chủ động phấn đấu vươn lên “giỏi việc nước, đảm việc nhà”; cống hiến có hiệu quả góp phần vào sự phát triển phát triển của ngành thanh tra thành phố cũng như của địa phương, đơn vị.
Cùng với sự ra đời, hoàn thiện của hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành thanh tra như: Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011 và một số văn bản pháp luật quan trọng khác… là yêu cầu, nhiệm vụ mới phức tạp hơn, nặng nề hơn đối với nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù Ðảng, Nhà nước đã có chủ trương cụ thể, chính sách rõ ràng về công tác cán bộ nữ , lãnh đạo Thanh tra thành phố, lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện quan tâm thực hiện song tỷ lệ nữ cán bộ, công chức ngành thanh tra thành phố còn thấp chỉ có 33,8% (313/ 926) so với tổng số cán bộ, công chức; chỉ 16,6% (1/6) cán bộ nữ là lãnh đạo Thanh tra thành phố; 39,3% (13/33) cán bộ nữ trong số chức danh lãnh đạo cấp phòng của Thanh tra thành phố; 28,6% (40/140) cán bộ nữ trong số chức danh lãnh đạo Thanh tra quận, huyện, sở, ngành thuộc thành phố.
Công chức, thanh tra viên nữ của ngành đã ít, lại bị hạn chế bởi tuổi về hưu và tuổi đề bạt theo quy định chung. Tỷ lệ cán bộ nữ chủ chốt vốn đã thấp, thì lãnh đạo là nữ chủ yếu đảm nhiệm cấp phó giúp cho trưởng (nam). Ở những vị trí này, phụ nữ không có thực quyền; quan niệm trọng nam, khinh nữ vẫn còn phổ biến và coi phụ nữ chỉ là "giúp việc" cho nam giới còn phổ biến. Còn có hiện tượng xem xét, cất nhắc cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo diễn ra khó khăn hơn so với nam giới. Trong một cơ quan, cán bộ nữ thường bị nhìn nhận xét nét hơn, cơ quan chủ quản chưa nhìn nhận cán bộ nữ một cách đầy đủ, toàn diện, những điểm mạnh nổi bật về chuyên môn, uy tín.
Thực tế cho thấy, vẫn còn cán bộ, công chức, thanh tra viên nữ chưa phát huy hết trách nhiệm, vai trò trong công tác; còn mang tính thụ động, tự ti, an phận, thói hẹp hòi, ích kỷ đố kỵ; nhận thức về giới còn hạn chế.
Do đó, việc xây dựng đề án “Phát triển đường chức nghiệp của nữ công chức, thanh tra viên ngành thanh tra thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2020” để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết.
Đề án là cơ sở để lãnh đạo Thanh tra thành phố, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nữ trong quá trình phát triển và cũng là động lực để đội ngũ cán bộ, công chức nữ ngành thanh tra thành phố Hồ Chí Minh phấn đầu và cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho cho địa phương, đơn vị trong đó có ngành Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh.
Tải file đính kèm:
1. Quyết định ban hành
2. Đề án
3. Báo cáo tiếp thu ý kiến hội thảo rộng
Quế Mai