SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
8
0
3
7
7
Trao đổi nghiệp vụ 20 Tháng Tư 2016 2:05:00 CH

(TTTP) Vấn đề “Những trở ngại khách quan khác” tại Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011

 

 

Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về Thời hiệu khiếu nại như sau:

“Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kểtừ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”.

Do Luật Khiếu nại năm 2011, Nghị định 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại không đưa ra các khái niệm cụ thể, cơ sở xác định trường hợp nào được xem là trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thể thực hiện được việc khiếu nại theo đúng quy định nên thực tế gây không ít vướng mắc trong quá trình xử lý, thụ lý đơn giải quyết.

Thực hiện Đề án 1-1133, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng Bộ tài liệu Hỏi - Đáp về pháp luật Khiếu nại (do Tiến sĩ Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo nội dung). Tuy đây không phải là văn bản pháp lý, nhưng có giá trị trong việc áp dụng, vận dụng vào thực tiễn. Đối với vấn đề trở ngại khách quan, theo Bộ tài liệu tại câu hỏi 33 có trả lời:

“Pháp luật dân sự quy định sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây: sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa; trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.

 Nghị quyết của Tòa án nhân dân tối cao số 02/2006/NQ-HĐTP thì định nghĩa "trở ngại khách quan" là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như: thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu... làm cho toà án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định… để tính thời hiệu khởi kiện dân sự.”

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng có khuyến nghị: “các cơ quan thụ lý và giải quyết khiếu nại không nên cứng nhắc trong việc xác định thời hiệu khiếu nại, mà nên căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định thời hiệu cho phù hợp, tránh để sót, để lọt,  nếu đơn khiếu nại có căn cứ thì nên thụ lý giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân” (câu hỏi 32).

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2013: “Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình”

Như vậy, dù pháp luật khiếu nại không quy định cụ thể, rõ ràng về “trở ngại khách quan”, nhưng thể hiện tinh thần “vì dân”, với trách nhiệm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại nói riêng, của nhân dân nói chung, khi xem xét, xử lý việc thu lý đơn khiếu nại nên có sự cân nhắc, tham khảo các quy định pháp luật có liên quan, tùy từng trường hợp cụ thể, để tính thời hiệu khiếu nại hợp tình hợp lý.

Nguyễn Huỳnh Kiên Trúc


Số lượt người xem: 8420    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm