SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
3
1
6
0
2
Tin tức sự kiện 26 Tháng Chín 2023 8:25:00 CH

Cấp bách chuyển đổi số trong đào tạo lái xe tại Việt Nam

 Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, nguyên nhân gây tai nạn giao thông phần lớn do thái độ lái xe không tốt, còn từ lỗi kỹ thuật xe, kỹ thuật lái xe, lỗi cơ sở hạ tầng chỉ chiếm phần nhỏ.

Ô tô gây tai nạn, có phải vì yếu kỹ năng?

Hiện nay, cả nước có gần 6 triệu ô tô đăng ký lưu hành, hàng năm có khoảng 0,6 - 0,7 triệu xe đăng ký mới. Con số này khá nhỏ so với các nước Asean theo chỉ số ô tô/1.000 dân. Việt Nam là 50 xe/1.000 dân, Thái Lan là 280, Malaysia 443. Trong giai đoạn 2030 - 2035, Việt Nam sẽ vào thời kỳ ô tô hóa với hạ tầng giao thông hiện đại, số lượng ô tô sẽ tăng gấp 3 - 5 lần. Đồng nghĩa nhu cầu đào tạo lái xe (ĐTLX)  ô tô cũng sẽ rất cao, không chỉ cho 6 triệu xe mà sẽ khoảng 20 - 25 triệu xe.

Cục Đường bộ Việt Nam mới đây đề xuất học viên học lái xe có thể học trực tuyến phần lý thuyết thay vì đến lớp như hiện nay, nội dung đào tạo cũng được tiết giảm

Tai nạn ô tô ở Việt Nam so với thế giới là khá cao, tính theo tỷ lệ số người chết vì tai nạn ô tô/số ô tô đang lưu hành của từng quốc gia. Tỷ lệ tai nạn ô tô ở Việt Nam là 2/1.000, trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là 1/1.000, Thái Lan 1/1.000, Mỹ 0,1/1.000. Nguyên nhân gây tai nạn ô tô của thế giới (tùy theo từng nước) chủ yếu (80 - 94%) là do thái độ của lái xe thiếu trách nhiệm như lái xe quá tốc độ, vi phạm các quy tắc giao thông, lái xe trong tình trạng mệt mỏi hoặc ảnh hưởng của rượu bia và các chất kích thích khác, không đeo dây an toàn, dùng điện thoại di động... Khoảng 6 - 20% tai nạn còn lại là do lỗi kỹ thuật xe (kỹ thuật xe và kỹ thuật lái xe), lỗi cơ sở hạ tầng, thời tiết và các lỗi giao thông khác. 

Một thống kê khác chỉ ra rằng, năng lực của một con người nói chung và đặc biệt cho một lái xe được quyết định 70% là do thái độ, 26% là chuyên môn và chỉ có 4% là kỹ năng.

Do đó, thế giới hiện đang tập trung đưa ra các công nghệ hỗ trợ tiên tiến cho người lái (ADAS), công nghệ xe thông minh, giao thông thông minh, nhằm thay thế lái xe từ mức độ 1 đến mức độ 5 là xe tự lái. Mặt khác, có các công nghệ 4.0 trong ĐTLX theo hướng chuyển đổi số tập trung vào rèn thái độ lái xe hơn là kỹ năng lái xe.

Việt Nam chưa có con số thống kê về nguyên nhân gây tai nạn ô tô nhưng với các loại ô tô và hạ tầng giao thông trên nền tảng công nghệ từ các nước tiên tiến thì nguyên nhân gây tai nạn giao thông cũng sẽ đi theo xu hướng thế giới. Có nghĩa là do thái độ lái xe không tốt, còn từ lỗi kỹ thuật xe, kỹ thuật lái xe, lỗi cơ sở hạ tầng sẽ chỉ chiếm phần nhỏ.

Từ đây, chúng ta nên có những nhìn nhận khác, không những về công nghệ ĐTLX mà cả phương thức quản lý công tác ĐTLX để vừa đáp ứng nhu cầu và hội nhập được với phát triển ô tô của thế giới.

ĐTLX ở các nước phát triển

Từ những thống kê nguyên nhân gây tai nạn giao thông khi lái xe, đa số các nước phát triển (số ô tô nhiều mà tỷ lệ tai nạn thấp) có chương trình ĐTLX khá mềm dẻo và phù hợp với xu thế chuyển đổi số qua các tiêu chí:

Các nước trên thế giới không quá đặt nặng vấn đề học lý thuyết, giáo trình đơn giản, áp dụng nhiều công nghệ kỹ thuật số

Đầu tiên về cơ quan quản lý ĐTLX. Ở các nước, trách nhiệm này thuộc về một đơn vị trong Sở GTVT địa phương (tương đương ở Việt Nam là cấp tỉnh và thành phố), như DMV (Department of Motor Vehicles). Các đơn vị này cũng là cơ quan cấp bằng lái xe (hoặc giấy chứng nhận lái xe tạm thời để học lái thực hành) nhưng không đưa ra các chương trình ĐTLX bắt buộc cho các cơ sở ĐTLX mà chỉ quản lý chương trình này. 

DMV không giám sát các công việc ĐTLX mà giao cho các cơ sở ĐTLX quản lý. Mặt khác, đưa ra các tài liệu như sổ tay lái xe, các ứng dụng công nghệ 4.0 cho ĐTLX, các bộ câu hỏi trắc nghiệm lái xe… nhằm hướng dẫn hay làm tài liệu tham khảo cho các cơ sở ĐTLX theo đó để biên soạn chương trình thích hợp.

Trong khi đó, cơ sở ĐTLX được cấp phép hoạt động và có thể được ủy quyền cấp giấy phép tạm thời cho học viên học thực hành lái xe trên đường. Các cơ sở ĐTLX đa số là tư nhân hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nhà nước. Ngoài ra cũng có các cơ sở ĐTLX tư nhân khác không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động dạy lái xe theo nhu cầu nghề nghiệp hoặc nhu cầu tự học của học viên.

Chương trình, nội dung đào tạo và thi cử sẽ do các cơ sở ĐTLX biên soạn dựa theo hướng dẫn của các DMV. Nội dung gồm 2 phần lý thuyết và thực hành với nội dung đào tạo chú trọng về việc lái xe an toàn hơn (thái độ lái xe), còn kỹ năng lái xe thì chỉ cần ở mức cơ bản. Phần lý thuyết chủ yếu tự học trực tuyến và để ĐTLX thực hành, đa số đều cho phép cơ sở ĐTLX chứng nhận học viên đã qua kỳ thi lý thuyết và/hoặc một phần thi thực hành (sa hình). Trên cơ sở đó, DMV cấp giấy phép lái xe tạm thời có kỳ hạn để các học viên học hoặc tự học phần thực hành trên đường thực tế (có người hướng dẫn hay người có thâm niên bằng lái xe trên 3 năm ngồi ở ghế phụ). 

Công tác thi cử được quản lý bởi các DMV. Các DMV không kiểm tra quá trình học của học viên tại các cơ sở ĐTLX nên cũng không có các thiết bị giám sát DAT, đường truyền… từ cơ sở ĐTLX về các DMV. Công tác giám sát kiểm tra do các cơ sở ĐTLX tự quản lý, công bố trên các mạng thông tin của mình qua ứng dụng công nghệ 4.0 và cấp quyền truy cập. Chỉ khi thi lái xe thực tế trên đường mới có các giám sát viên của DMV ngồi cạnh học viên để giám sát.

Công nghệ mới và trực tuyến trong ĐTLX: Học lý thuyết ở các nước này đều là tự học hoặc đào tạo trực tuyến không đồng bộ (không cần mở lớp) thông qua các tài liệu, chương trình video, VR… bổ trợ để hướng dẫn học viên tự học lái xe hoặc được sử dụng như một công cụ đào tạo độc lập; cung cấp một môi trường an toàn và được kiểm soát để học viên thực hành, cải thiện kỹ năng lái xe. Ngoài ra, việc hướng dẫn thực hành lái xe online thông qua các phần mềm mô phỏng rất hữu dụng. Một số nước ứng dụng thi online có giám sát bằng camera của các nhân viên DMV.

Các DMV đều có các trang web được thiết kế rất phong phú cho phép học viên có thể xem và tải các tài liệu cần thiết cho việc học lý thuyết và thực hành lái xe; nắm vững các kiến thức, kỹ năng, các quy định, tiêu chuẩn… về học lái xe và sử dụng xe. Ngoài ra còn có các phần mềm thực hành trả lời các đề thi, các tình huống giao thông thực tế… 

Các cơ sở ĐTLX tùy theo đặc trưng riêng của mình cũng có những công cụ trực tuyến, các phần mềm để học viên có thể học, thực hành, trao đổi với giáo viên, với cơ sở ĐTLX và với nhau để tìm hiểu kỹ hơn về các nội dung cần thiết cho học các phần lý thuyết cùng các kỹ năng xử lý tình huống… 

Những phương thức ĐTLX trực tuyến này góp phần giảm chi phí ĐTLX, tạo điều kiện cho học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi để có thể đi thi lấy bằng lái ở thời điểm thích hợp với cơ hội thi đạt rất cao. Ngoài ra, học viên có thể tự ôn luyện hay cập nhật thêm những kiến thức mới về công nghệ hay sử dụng ô tô, các quy định mới về an toàn giao thông... Khi đó, sự kết nối giữa các cơ sở ĐTLX, các cơ quan quản lý kể cả công an… sẽ được thông suốt và hiệu quả.

Nguồn: Thanh Niên


Số lượt người xem: 215    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm