Đó là chia sẻ của bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM tại Hội nghị Tech4life 2023 với chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống 2023” do Sở TT&TT TPHCM và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM chia sẻ về mục tiêu chuyển đổi số của TP. Ảnh: Linh Nhi
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, TPHCM cũng triển khai nền tảng số của các hạ tầng thông tin quy mô TP, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới, triển khai chương trình trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng dữ liệu mở... Đây là những nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế số tại TPHCM.
Về việc xây dựng hạ tầng dữ liệu, bà cho biết thành phố đã chuyển hạ tầng xử lý đơn vị về quản lý tập trung trên nền tảng đám mây. Hiện nay trung tâm dữ liệu chính quyền điện tử TPHCM có trên 1.000 máy chủ. Mạng đô thị băng thông rộng Metronet dùng riêng cho cơ quan nhà nước TPHCM có trên 800 điểm kết nối.
Về hạ tầng công nghệ thông tin tại các quận, huyện, sở, ban, ngành, hiện nay 100% cán bộ công chức có máy tính; 100% cơ quan có internet, mạng LAN và hệ thống hội nghị trực tuyến… TPHCM cũng đã xây dựng trung tâm giám sát an ninh mạng hoạt động 24/7.
Đại biểu tham quan gian hàng triển lãm về giải pháp bản đồ số. Ảnh: Linh Nhi
Với mục tiêu đến năm 2030, TPHCM trở thành đô thị thông minh, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy Chính quyền số, thúc đẩy Kinh tế số, Xã hội số nhằm đem lại tiện ích cho người dân; TPHCM xác định, chuyển đổi số thì dữ liệu là quan trọng, đồng thời lấy dữ liệu làm nền tảng để phục vụ chuyển đổi số.
Để thực hiện điều đó, thành phố đã triển khai một lộ trình bài bản, đưa ra các chính sách, quy trình để xử lý việc cát cứ dữ liệu của các đơn vị về kho dữ liệu dùng chung và chuyển hạ tầng rời rạc về quản lý tập trung trên nền tảng điện toán đám mây. Đồng thời, triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và cổng dữ liệu, kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia…
Theo bà Trinh, chuyển đổi số và quản trị dữ liệu là một hành trình, cần phải cải tiến phù hợp với các tiến bộ công nghệ theo thời gian và tình hình thực tế.
"Do đó, phải thành lập cơ quan chủ trì để thúc đẩy, điều phối và thiết kế các giải pháp số cho thành phố nhằm cải thiện việc tích hợp và thiết kế các dịch vụ số dùng chung cho toàn thành phố" – bà Trinh nhấn mạnh.
Hiện TPHCM thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về chuyển đổi số với 100% thủ tục hành chính trong danh mục thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần, dịch vụ công trực tuyến toàn quy trình được áp dụng; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 60%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành TP, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 50%, 40% và 35%.