SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
3
8
8
2
8
Tin tức sự kiện 18 Tháng Năm 2022 2:55:00 CH

Bài viết "Giải pháp nâng cao năng lực thanh tra trong hoạt động mua sắm, quản lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập"

 

Trong tình hình nhiệm vụ hiện nay, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài; trong đó, bước đột phá quan trọng nhất là việc đổi mới quản lý, sử dụng tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc cung cấp các dịch vụ cơ bản và thiết yếu cho xã hội ngày càng tốt hơn.

  Các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí việc sử dụng tài sản công, đặc biệt là nhà, đất, xe ô tô phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao, tiêu chuẩn, định mức và quy hoạch nhà, đất được từng bước thực hiện phương án xử lý tổng thể nhà, đất (Ban Chỉ đạo 167); số tài sản dôi dư sau sắp xếp hoặc không còn phù hợp với quy hoạch; không còn nhu cầu sử dụng được điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị khác sử dụng hay bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Thanh tra Thành phố là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý nhà nước về công tác thanh tra. Trong đó, Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo số 3 (Phòng 3) là một trong những Phòng thường xuyên thực hiện các cuộc thanh tra có nội dung thanh tra liên quan đến việc quản lý, sử dụng, mua sắm tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập liên quan ngành lĩnh vực Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Văn hóa - Thể thao.

Quá trình thực hiện các Đoàn thanh tra trong những năm qua, Phòng 3 có tổng hợp lại những nội dung thiếu sót, vi phạm thường gặp và đưa ra phương pháp cơ bản tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng, mua sắm tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập. Sau đây là các nội dung cụ thể như sau:

          1. Về các dạng sai phạm qua công tác thanh tra:

- Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quản lý, theo dõi sát được thực trạng và biến động của tài sản công. Thực tế, tình trạng sử dụng đất đai, nhà, trụ sở làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập sai mục đích, sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ, lãng phí vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở các lĩnh vực, các đơn vị sự nghiệp công lập, như: để trống, cho thuê, cho mượn, sử dụng để kinh doanh, liên doanh, liên kết sai quy định, chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt Phương án sử dụng tài sản công.

- Việc thực hiện mua sắm tài sản, phương tiện làm việc, trang thiết bị không đúng quy định về pháp luật đấu thầu; có tình trạng mua sắm sai quy định dẫn đến giá mua cao, hàng hóa, trang thiết bị không đảm bảo chất lượng, không đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật nên không sử dụng được hoặc sử dụng không hiệu quả, gây thiệt hại kinh phí ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp, nguồn kinh phí tài trợ, viện trợ.

- Sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước không hiệu quả, có sai phạm cụ thể như: thực hiện dự án (đầu tư xây dựng cơ bản) chậm trẽ, không đúng tiến độ, chậm giải ngân làm phát sinh thêm (tăng) chi phí đầu tư xây dựng cơ bản (do thay đổi giá, chi phí nhân công,…). Có tình trạng lập hồ sơ không chặt chẽ, hồ sơ không rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng quyết toán khống khối lượng đầu mục công việc (không có khối lượng thực hiện hoặc khối lượng thanh toán không đúng thực tế) trong các lĩnh vực sự nghiệp công lập.

- Việc xử lý bán, thanh lý tài sản theo hình thức đấu giá, các đơn vị phải thuê các Trung tâm hoặc Doanh nghiệp thực hiện nhưng chưa thật sự đúng quy định ràng buộc trách nhiệm giám sát của các đơn vị có quyền bán tài sản cũng như việc kiểm soát của các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ.

2. Về Phương pháp chung tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng, mua sắm tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập:

2.1. Về xây dựng Kế hoạch tiến hành thanh tra, nội dung thanh tra:

Việc xây dựng kế hoạch, nội dung thanh tra cần đảm bảo các nội dung chính như sau:

- Xác định đối tượng được thanh tra: các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

- Thời kỳ thanh tra theo niên độ tài chính hoặc theo thời điểm phát sinh mua sắm tài sản, quản lý, sử dụng tài sản công.

- Các bước thực hiện của Đoàn thanh tra (xác định nhiệm vụ từng thành viên, thời gian thực hiện các nội dung công việc cụ thể, trình tự cuộc thanh tra) theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

- Nội dung thanh tra: cần kiểm tra một số nội dung trọng tâm như sau:

+ Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) giao đơn vị sự nghiệp công lập tiếp nhận, quản lý sử dụng nhà đất: kiểm tra làm rõ mục đích sử dụng tài sản theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; định mức sử dụng tài sản; việc sử dụng tài sản công (nhà, đất, phương tiện máy móc,…) để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (nếu có).

+ Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động sử dụng tài sản để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và thực hiện các nghĩa vụ thuế, nộp tiền thuê đất theo quy định pháp luật.

  + Việc đơn vị sự nghiệp công lập và Cơ quan chủ quản (Sở chuyên ngành Văn hóa - Thể thao, Y tế, Giáo dục - Đào tạo,…) thực hiện Phương án xử lý tổng thể nhà, đất theo các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 167 .

+ Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán các nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, nguồn thu sự nghiệp, nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia, nguồn thu hợp pháp (thu tài trợ, viện trợ, thu khác) để thực hiện mua sắm tài sản công, trang thiết bị làm việc, trang thiết bị trong các ngành, lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Thể thao...   

+ Kiểm tra việc thực hiện đấu thầu, mua sắm tài sản, trang thiết bị, hàng hóa theo các quy định về đấu thầu, các quy định lĩnh vực, ngành: kiểm tra hồ sơ mời thầu, Hồ sơ dự thầu, Hợp đồng mua sắm, giao nhận hàng hóa, tài sản mua sắm.

+ Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công: đánh giá tiến độ thực hiện, chất lượng sử dụng tài sản và hiệu quả sử dụng tài sản công để phục vu các hoạt động, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập. Kiểm tra, làm rõ việc để xảy ra tình trạng lãnh phí tài sản công hay không (mua sắm không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến không sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quản; để tồn kho không sử dụng dẫn đến hư hỏng tài sản trang thiết bị, hoặc mất mát tài sản do quy trình quản lý không chặt chẽ giữa các bộ phận). 

- Đoàn thanh tra xây dựng Đề cương yêu cầu đơn vị báo cáo theo các nội dung thanh tra.

- Trưởng đoàn thanh tra xây dựng Đề cương (dự thảo đề cương) các nội dung Báo cáo kết quả thanh tra, nhằm đảm bảo đầy đủ, chất lượng các nội dung thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra đảm bảo yêu cầu của Người ra quyết định thanh tra và đảm bảo tiến độ, thời gian của đoàn thanh tra khi kết thúc thanh tra tại đơn vị. Tập thể Lãnh đạo Thanh tra thành phố xem xét, Chánh Thanh tra Thành phố ban hành Kết luận thanh tra đúng thời hạn được quy định tại Luật Thanh tra.

2.2. Các bước tiến hành thanh tra:

          - Yêu cầu đơn vị sự nghiệp công lập (là đối tượng thanh tra) báo cáo đầy đủ các nội dung theo Đề cương yêu cầu báo cáo của Đoàn thanh tra.

          - Thu thập các hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến từng nội dung thanh tra từ các nguồn cung cấp: của đơn vị (đối tượng thanh tra), các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các Sở ngành là cơ quan chủ quản của đối tượng thanh tra, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ.

          - Đối chiếu tài liệu về tính chính xác, hợp pháp theo quy định pháp luật; xác minh, đánh giá tài liệu chứng cứ.

          - Đoàn thanh tra củng cố hồ sơ, tài liệu để làm việc, trao đổi cụ thể từng nội dung thanh tra với đơn vị (đối tượng thanh tra), các cơ quan quản lý đơn vị (Sở, ngành), các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (trong trường hợp cần phải lấy ý kiến) trước khi Đoàn thanh tra thực hiện Báo cáo kết quả thanh tra theo quy định.

          - Căn cứ áp dụng các Văn bản, quy định pháp luật theo từng lĩnh vực, theo từng nội dung thanh tra để làm rõ, đánh giá, xác định cụ thể việc đơn vị thực hiện đúng, sai theo từng nội dung thanh tra, kiểm tra.

            - Tổ chức họp các thành viên Đoàn thanh tra để xây dựng, hoàn chỉnh Báo cáo kết quả thanh tra; trong đó nêu rõ các nội dung kết quả thanh tra, nhận xét, kết luận từng nội dung đúng, sai và kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định: xử lý về tài chính; xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra (nếu sai phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định); kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách.

          Báo cáo kết quả thanh tra gửi Người ra quyết định thanh tra để xem xét, chỉ đạo xử lý, ban hành Kết luận thanh tra theo quy định.

3. Kết quả áp dụng Sáng kiến:

Trên cơ sở những nội dung đã đúc kết từ những đoàn thanh tra đã tiến hành trong những năm qua cũng như vận dụng phương pháp tiến hành công tác thanh tra việc quản lý, sử dụng, mua sắm tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập; khi Phòng 3 tiến hành thanh tra việc tổ chức các lớp dạy nghề cho người thất nghiệp, công tác quản lý, sử dụng tài chính đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước chuẩn bị ban đầu hiệu quả, góp phần giúp cho quá trình tiến hành thanh tra tại đơn vị thuận lợi, nhanh chóng, sớm phát hiện được các vi phạm của đơn vị liên quan đến việc quản lý, sử dụng mặt bằng, nhà đất, việc mua sắm, quản lý tài sản công dài hạn (xe sử dụng trong công tác dạy lái xe…), mua sắm không qua đấu thầu, chưa đảm bảo chất lượng phục vụ giảng dạyQua đó, đề xuất một số biện pháp, cách thức xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác mua sắm, quản lý tài sản công tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội./.


Số lượt người xem: 319    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm