SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
3
8
0
2
4
Tin tức sự kiện 08 Tháng Tám 2022 9:15:00 SA

Bài viết "Sổ tay nghiệp vụ giải quyết tố cáo"

 

1. Sự cần thiết phải xây dựng sáng kiến Sổ tay nghiệp vụ giải quyết tố cáo

Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, là công cụ pháp lý để công dân bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm, là biểu hiện của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Khiếu nại, tố cáo là một kênh thông tin khách quan phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy nhà nước, phản ánh tình hình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức. Do đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không những có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, mà còn thể hiện mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đảng và Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật do mình ban hành, từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Vì vậy, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Để việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; tạo cơ sở pháp lý trong giải quyết khiếu nại, tố cáo Nhà nước ta đã ban hành Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2004, 2005. Để phát huy và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của cả hệ thống chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 06/3/2002 về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay.

Trong thời gian qua, công tác xử lý đơn, giải quyết tố cáo đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhiều vụ việc tố cáo đã được giải quyết, đáp ứng được phần lớn yêu cầu của người dân, hướng tới Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Bên cạnh đó, công tác xử lý, giải quyết đơn tố cáo còn nhiều hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác giải quyết tố cáo, trong đó có sự hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, thanh tra viên làm công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết tố cáo nhất là khâu xác định thẩm quyền giải quyết, về trình tự, thủ tục, thời gian xử lý, giải quyết tố cáo, hạn chế này đang là rào cản cần sớm có giải pháp khắc phục.

Với mục đích xây dựng một cẩm nang về nghiệp vụ công tác xử lý, giải quyết tố cáo cả về lý luận và thực tiễn để giúp cán bộ, thanh tra viên của Thanh tra Thành phố nói riêng, cán bộ, thanh tra viên trong ngành thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nói chung để nghiên cứu, tham khảo, vận dụng trong quá trình xử lý, giải quyết đơn tố cáo phát sinh trong thực tế, đúc kết, xây dựng cụ thể các tình huống và hướng dẫn chi tiết cách thức, phương pháp, trình tự giải quyết cho từng trường hợp, đảm bảo tính thống nhất về trình tự, thủ tục xử lý, giải quyết tố cáo, đáp ứng khối lượng đơn tố cáo ngày càng nhiều, tính chất phức tạp, nâng cao chất lượng tham mưu xử lý, giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn trong công tác giải quyết tố cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Một số vấn đề khó khăn, tồn tại cần giải quyết:

- Về thời gian xử lý đơn tố cáo, xác minh, báo cáo đề xuất xử lý tố cáo:

Về thời gian xử lý đơn tố cáo, xác minh, báo cáo đề xuất xử lý tố cáo thường bị kéo dài so với thời gian quy định của luật: Theo Luật tố cáo 2018,“tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo” quy định chỉ có 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc… trong khi Đơn tố cáo từ khi tiếp nhận đến Thông báo giao việc cho cán bộ thụ lý phải trải qua rất nhiều công đoạn, mất rất nhiều thời gian, thời gian còn lại dành cho cán bộ thụ lý thực hiện các khâu công việc như: mời tiếp xúc với người tố cáo, nghiên cứu đơn, tài liệu người tố cáo cung cấp, tổng hợp báo cáo đề xuất…. ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tham mưu, vi phạm thời gian theo luật định.

- Về quy trình xử lý, giải quyết đơn tố cáo:

Thực tế khi nhận được đơn tố cáo, cán bộ, công chức, thanh tra viên làm công tác tiếp dân xử lý bước đầu thường rất lòng vòng, chiếm mất nhiều thời gian.

+ Khâu tiếp xúc với người tố cáo thường bị động do người tố cáo không đến làm việc theo như thư mời.

+ Một số vụ việc cán bộ thụ lý hoặc Tổ xử lý đơn tố cáo được giao thực hiện khâu“tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo” nhưng phải thực hiện thêm một số công việc thuộc vào giai đoạn xác minh như làm việc với đơn vị, cá nhân bị tố cáo để thu thập thông tin, tài liệu, hồ sơ…

- Trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo thường gặp rất nhiều khó khăn, khó xác định thẩm quyền giải quyết.

- Trình độ, năng lực của cán bộ công chức, thanh tra viên chưa đồng đều, thiếu kinh nghiệm trong công tác tham mưu xử lý, giải quyết tố cáo.

- Thiếu quy trình mẫu về xử lý, giải quyết đơn tố cáo để vận dụng trong quá trình tham mưu xử lý công việc.

3. Xây dựng Quy trình mẫu về giải quyết t cáo

3.1. Trình tự thực hiện

Bước 1: Thụ lý tố cáo

Trước khi thụ lý tố cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh/huyện xác minh hoặc giao cơ quan thanh tra cùng cấp tỉnh/huyện hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo. Trường hợp người tố cáo không cư trú tại địa bàn quản lý hoặc gặp khó khăn trong việc xác minh thì người giải quyết tố cáo có thể ủy quyền cho cơ quan nhà nước ngang cấp hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới xác minh thông tin cần thiết phục vụ việc ra quyết định thụ lý tố cáo. Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau:

Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo 2018:

+ Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

+ Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại UBND tỉnh/huyện thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

- Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;

- Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;

- Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết.

Bước 2: Xác minh nội dung tố cáo

- UBND tỉnh/huyện tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh/huyện xác minh nội dung tố cáo (gọi chung là người xác minh nội dung tố cáo). Việc giao xác minh nội dung tố cáo phải thực hiện bằng văn bản.

- Trường hợp người giải quyết tố cáo giao cho cơ quan thanh tra tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh/huyện xác minh nội dung tố cáo thì văn bản giao xác minh nội dung tố cáo thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Tố cáo. Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm thành lập Tổ xác minh theo quy định.

- Văn bản giao xác minh nội dung tố cáo có các nội dung chính sau đây: ngày, tháng, năm giao xác minh; người được giao xác minh nội dung tố cáo; họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; tên gọi, trụ sở của cơ quan, tổ chức bị tố cáo; nội dung cần xác minh; thời gian tiến hành xác minh; quyền và trách nhiệm của người được giao xác minh nội dung tố cáo.

- Người xác minh nội dung tố cáo phải tiến hành các biện pháp cần thiết để thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung tố cáo. Thông tin, tài liệu thu thập phải được ghi chép thành văn bản, khi cần thiết thì lập thành biên bản, được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc tố cáo.

- Trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung tố cáo phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình, đưa ra các chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của nội dung cần xác minh.

- Người xác minh nội dung tố cáo được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 và các điểm a, b, c khoản 2 Điều 11 của Luật Tố cáo 2018 theo phân công của người giải quyết tố cáo.

- Kết thúc việc xác minh nội dung tố cáo, người được giao xác minh phải có văn bản báo cáo người giải quyết tố cáo về kết quả xác minh nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý.

Bước 3: Kết luận nội dung tố cáo

Theo quy định tại Điều 35 Luật Tố cáo 2018 và Điều 17 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP:

- Căn cứ vào nội dung tố cáo, giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh/huyện ban hành kết luận nội dung tố cáo. Kết luận nội dung tố cáo phải có các nội dung chính sau đây:

+ Kết quả xác minh nội dung tố cáo;

+ Căn cứ pháp luật để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật;

+ Kết luận về nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai sự thật; xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung tố cáo;

+ Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật;

+ Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trường hợp giải quyết lại vụ việc tố cáo thì ngoài các nội dung trên, người giải quyết tố cáo phải kết luận về những nội dung vi phạm pháp luật, sai lầm hoặc không phù hợp của việc giải quyết tố cáo trước đó (nếu có); xử lý theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo, kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết tố cáo trước đó.

- Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo.

Bước 4: Xử lý kết luận nội dung tố cáo

Theo quy định tại Điều 36 Luật Tố cáo 2018 và Điều 18 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP:

Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý như sau:

+ Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật;

+ Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung tố cáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo về kết quả xử lý.

Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo.Trường hợp giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo thì cơ quan thanh tra nhà nước phải định kỳ hàng tháng báo cáo với người giải quyết tố cáo về kết quả theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo.

3.2.Thời hạn giải quyết

Theo quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo: Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

 3.3. Cơ quan thực hiện

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định:

+ Chủ tịch UBND Thành phố, Giám đốc Sở - Ngành

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận - Huyện.

 - Cơ quan trực tiếp thực hiện:

 +  Thanh tra Thành phố; Thanh tra Sở; Phòng, ban chuyên môn thuộc Sở.

+ Thanh tra Quận - Huyện.

3.4. Kết quả thực hiện

Kết luận nội dung tố cáo và việc xử lý kết luận nội dung tố cáo.

3.5. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai

Các mẫu văn bản ban hành trong quá trình giải quyết tố cáo được quy định tại Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.

3.6. Điều kiện thực hiện

Theo quy định tại khoản 1 điều 29 Luật Tố cáo 2018: Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau:

- Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật Tố cáo;

- Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;

- Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;

- Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

- Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.

  3.7.Căn cứ pháp lý thực hiện

 Luật Tố cáo 2018; Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.

4. Kết quả áp dụng sáng kiến:

4.1. Áp dụng tại Phòng thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo số 6 (Phòng 6), và các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Thanh tra TP Hồ Chí Minh từ ngày 01 tháng 02 năm 2021 trong quá trình tham mưu, xử lý, giải quyết đơn tố cáo của công dân

4.2. Tuy Sáng kiến không tính được số tiền cụ thể về lợi ích của Sáng kiến mang lại nhưng Sáng kiến đã góp phần tích cực như:

- Giúp cán bộ, công chức, thanh tra viên nắm chắc các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo.

- 100% các vụ việc được lãnh đạo Thanh tra Thành phố giao tham mưu xử lý, giải quyết đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng thời gian theo quy định của pháp luật tố cáo, chất lượng tham mưu xử lý, giải quyết tố cáo đã nâng lên rõ rệt.

- Khắc phục được tình trạng vi phạm thời gian theo luật định.

- Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Đồng thời, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của Công chức, xây dựng văn hóa, tác phong, nghiệp vụ trong công tác cho đội ngũ Công chức, Thanh tra viên Thanh tra Thành phố nói riêng và ngành thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.


Số lượt người xem: 869    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm