SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
5
5
5
8
3
Tin tức sự kiện 06 Tháng Mười 2020 4:25:00 CH

Ngày pháp luật tháng 10/2020

 

     Ngày 05 tháng 10 năm 2020, tại buổi sinh hoạt Ngày pháp luật tháng 10, Thanh tra Thành phố đã phổ biến một số quy định của Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

 

I. Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

 

 

Điều 1 Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật như sau:

1. Trong hoạt động thanh tra gồm:

- Kế hoạch tiến hành thanh tra đột xuất trước khi công bố với đối tượng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra;

- Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra, của Đoàn thanh tra;

- Nội dung Kết luận thanh tra chưa công khai.

2. Trong hoạt động giải quyết tố cáo gồm:

- Họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo, người được bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo, trừ trường hợp người tố cáo có yêu cầu khác;

- Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trước khi công khai kết luận nội dung tố cáo;

- Kết luận nội dung tố cáo chưa công khai.

3. Trong hoạt động phòng, chống tham nhũng gồm:

- Họ tên, địa chỉ, bút tích của người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng, trừ trường hợp người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng có yêu cầu khác;

- Nội dung báo cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi tham nhũng;

- Kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh, báo cáo về tham nhũng;

- Những thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là không công khai.

II. Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

1. Đối tượng áp dụng

- Cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách (sau đây gọi chung là cán bộ);

- Công chức theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức) và công chức cấp xã theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức (sau đây gọi chung là công chức);

- Viên chức theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức;

- Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (sau đây gọi chung là người đã nghỉ việc, nghỉ hưu).

2. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật

- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.

- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

- Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

3. Thời hiệu xử lý kỷ luật

Thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Cụ thể:

- 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

- 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định nêu trên.

Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với 04 trường hợp sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

  4. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức: Không quá 90 ngày, trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

  5. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức

-  Áp dụng đối với cán bộ, gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

-  Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc.

-  Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, gồm: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

III. Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh

- Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

- Nghị định áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm có sở và cơ quan ngang sở (sau đây gọi chung là sở).

- Các cơ quan sau đây không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này:

+ Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu kinh tế và Ban Quản lý có tên gọi khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương.

2. Đối với sở

- Cơ cấu tổ chức của sở, gồm: Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Thanh tra (nếu có); Văn phòng (nếu có); Chi cục và tổ chức tương đương (nếu có); Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).

- Tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở

+ Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở;

+ Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 07 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu 06 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 05 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

- Số lượng Phó Giám đốc sở

Bình quân mỗi sở có 03 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.

- Số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở

+  Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 09 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng;

+  Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 09 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 08 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng;

+  Phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó Trưởng phòng.

-  Số lượng Phó Chánh Thanh tra sở

+ Thanh tra sở có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Chánh Thanh tra;

+ Thanh tra sở có từ 08 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Chánh Thanh tra.

3.  Sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh:

Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân.

 


Số lượt người xem: 1978    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm