Ngày 01 tháng 6 năm 2020, tại buổi sinh hoạt Ngày pháp luật tháng 06, Thanh tra Thành phố đã thông tin đến toàn thể cán bộ công chức cơ quan các chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thành ủy về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đồng thời, tại buổi sinh hoạt, Thanh tra Thành phố cũng phổ biến một số quy định về soạn thảo, ký ban hành văn bản hành chính theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư. Cụ thể:
1. Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ:
- Lồng ghép các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.
- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đối với gia đình, người dân trong cộng đồng và trẻ em về chính sách pháp luật liên quan đến quyền trẻ em.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em.
2. Thông tri số 31-TT/TU ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Thành ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu:
- Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 20-CT/TW ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính, Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 03 tháng 8 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy, Thông báo số 699-TB/TU ngày 04 tháng 01 năm 2014 của đồng chí Bí thư Thành ủy về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và xây dựng, quản lý trường mầm non; Thông báo kết luận số 734-TB/TU ngày 03 tháng 3 năm 2014 của đồng chí Bí thư Thành ủy về giải quyết kiến nghị của các quận ủy, huyện ủy liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và xây dựng, phát triển, quản lý trường mầm non trên địa bàn thành phố.
- Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố.
- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố chỉ đạo Hội đồng nhân dân thành phố tăng cường giám sát công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Ban Dân vận Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các cơ quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em.
3. Quy định pháp luật về soạn thảo, ký ban hành văn bản hành chính (theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư)
- Các loại văn bản hành chính
Văn bản hành chính gồm các loại văn bản sau: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công.
- Thể thức văn bản hành chính, gồm các thành phần chính sau:
+ Quốc hiệu và Tiêu ngữ.
+ Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
+ Số, ký hiệu của văn bản.
+ Địa danh và thời gian ban hành văn bản.
+ Tên loại và trích yếu nội dung văn bản.
+ Nội dung văn bản.
+ Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền.
+ Dấu, chữ ký số của cơ quan, tổ chức.
+ Nơi nhận.
- Kỹ thuật trình bày văn bản, bao gồm: Khổ giấy, kiểu trình bày, định lề trang, phông chữ, cỡ chữ, kiểu chữ, vị trí trình bày các thành phần thể thức, số trang văn bản.
Kỹ thuật trình bày văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I Nghị định này. Viết hoa trong văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Phụ lục II Nghị định này. Chữ viết tắt tên loại văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Phụ lục III Nghị định này.
- Soạn thảo văn bản
+ Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mục đích, nội dung của văn bản cần soạn thảo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giao cho đơn vị hoặc cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản.
+ Đơn vị hoặc cá nhân được giao chủ trì soạn thảo văn bản thực hiện các công việc: Xác định tên loại, nội dung và độ mật, mức độ khẩn của văn bản cần soạn thảo; thu thập, xử lý thông tin có liên quan; soạn thảo văn bản đúng hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày.
Đối với văn bản điện tử, cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản ngoài việc thực hiện các nội dung nêu trên phải chuyển bản thảo văn bản, tài liệu kèm theo (nếu có) vào Hệ thống và cập nhật các thông tin cần thiết.
+ Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung bản thảo văn bản, người có thẩm quyền cho ý kiến vào bản thảo văn bản hoặc trên Hệ thống, chuyển lại bản thảo văn bản đến lãnh đạo đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản để chuyển cho cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản.
+ Cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị và trước pháp luật về bản thảo văn bản trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Duyệt bản thảo văn bản
+ Bản thảo văn bản phải do người có thẩm quyền ký văn bản duyệt.
+ Trường hợp bản thảo văn bản đã được phê duyệt nhưng cần sửa chữa, bổ sung thì phải trình người có thẩm quyền ký xem xét, quyết định.
- Kiểm tra văn bản trước khi ký ban hành
+ Người đứng đầu đơn vị soạn thảo văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật về nội dung văn bản.
+ Người được giao trách nhiệm kiểm tra thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản.
- Ký ban hành văn bản
+ Cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành; có thể giao cấp phó ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Trường hợp cấp phó được giao phụ trách, điều hành thì thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng.
+ Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của mình ký thừa ủy quyền một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, giới hạn thời gian và nội dung được ủy quyền. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức ủy quyền.
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao người đứng đầu đơn vị thuộc cơ quan, tổ chức ký thừa lệnh một số loại văn bản. Người được ký thừa lệnh được giao lại cho cấp phó ký thay. Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế làm việc hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức.
+ Người ký văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản do mình ký ban hành. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành.
+ Đối với văn bản giấy, khi ký văn bản dùng bút có mực màu xanh, không dùng các loại mực dễ phai.
+ Đối với văn bản điện tử, người có thẩm quyền thực hiện ký số. Vị trí, hình ảnh chữ ký số theo quy định tại Phụ lục I Nghị định này.