SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
6
7
1
4
9
Trao đổi nghiệp vụ 05 Tháng Giêng 2015 8:45:00 SA

(TTTP) ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU THÔNG TƯ SỐ 08/2014/TT-TTCP NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2014 CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH THẨM QUYỀN, NỘI DUNG THANH TRA TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THANH TRA

 

            Thông tư số 08/2014/TT-TTCP ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra được ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2014. Thông tư được ban hành góp phần quan trọng để bổ sung nội dung thanh tra trách nhiệm trong hoạt động của các cơ quan nhà nước hiện nay.

            Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Thông tư như sau:

            I. BỐ CỤC

            Thông tư bao gồm 4 chương 27 điều, bao gồm:

            Chương I. Những quy định chung: quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, trách nhiệm của đối tương thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

            Chương II. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm: quy định về thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ; Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh tra sở; Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh

            Chương III. Nội dung thanh tra trách nhiệm: chương này có 3 mục

                        Mục 1. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về tổ chức, chỉ đao hoạt động thanh tra, xử lý kiến nghị thanh tra, thực hiện kết luận thanh tra, bổ nhiệm các ngạch thanh tra

                        Mục 2. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra: thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra; công bố quyết định thanh tra; thời hạn thanh tra; quy trình tiến hành một cuộc thanh tra; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn, thành viên đoàn, người ra quyết định thanh tra trong quá trình thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra; giám sát, kiểm tra hoạt động của Đoàn thanh tra

                        Mục 3. Nội dung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về thanh tra: về ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về thanh tra; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra; thanh tra trách nhiệm; chế độ thông tin, báo cáo, quản lý và lưu trữ hồ sơ thanh tra; khen thưởng và xử lý vi phạm.

            Chương IV. Điều khoản thi hành: quy định hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.

            II. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN

            1. Phạm vi điều chỉnh

            Thông tư quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

            2. Đối tượng áp dụng

            Thông tư quy định 03 nhóm đối tượng là:

            - Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra khi thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

            - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra.

            - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan.

            3. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm

            Thông tư dành riêng chương II để quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Đối với Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra sở và Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thì quy định như sau:

            3.1. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

            - Thực hiện thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (gọi chung là sở); Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

            - Về quyền hạn: Đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh có quyền xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật về thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân  thuộc quyền quản lý của sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan, tổ chức đơn vị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra.

            3.2. Thanh tra sở

            - Thực hiện thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của sở.

            - Về quyền hạn: Đoàn thanh tra của Thanh tra sở có quyền xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật về thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của đơn vị thuộc sở, trực thuộc sở; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra.

3.3. Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh

- Thực hiện thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra đối với phòng, ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập.

- Về quyền hạn: xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật về thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của phòng, ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra.

4. Nội dung thanh tra trách nhiệm

4.1. Về tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kiến nghị thanh tra, thực hiện kết luận thanh tra, bổ nhiệm các ngạch thanh tra

Thực hiện thanh tra các nội dung từ khâu xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra đến việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra; phối hợp với các cơ quan khác khi phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm; việc xử lý và phối hợp giải quyết chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra; về thực hiện các quy định có liên quan đến bổ nhiệm ngạch thanh tra.

4.2. Về hoạt động thanh tra

Thanh tra từ khâu ban hành quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra; thời hạn thanh tra; quy trình tiến hành một cuộc thanh tra; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn, thành viên đoàn, người ra quyết định thanh tra trong quá trình thanh tra; xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra; giám sát, kiểm tra hoạt động của Đoàn thanh tra.

4.3. Về quản lý nhà nước đối với công tác thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về thanh tra

Thanh tra việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về thanh tra; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra; thanh tra trách nhiệm; chế độ thông tin, báo cáo, quản lý và lưu trữ hồ sơ thanh tra; về khen thưởng và xử lý vi phạm.

5. Điều khoản thi hành

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2014.

LTT Hương


Số lượt người xem: 3703    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm