SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
6
3
0
6
7
Phòng chống tham nhũng 29 Tháng Mười 2013 4:55:00 CH

(TTTP) Báo cáo nội dung liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05/01/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố (Phần 1)

 

Kính gửi: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

 

Thanh tra thành phố nhận được Văn bản số 9007/SKHĐT-TH ngày 17/10/2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị Thanh tra thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05/01/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố. Thanh tra thành phố báo cáo nội dung liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05/01/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố  

I/. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG:

1. Việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm của địa phương:

1.1. Công tác quán triệt, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng:

Trong năm 2013 lãnh đạo các cấp của thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hơn 878 cuộc tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, các ban ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, với 59.395 lượt người tham dự.

Hình thức tuyên truyền chủ yếu thông qua các cuộc hội nghị để phổ biến, giáo dục pháp luật; các cuộc họp giao ban tuần, tháng, tại các cơ quan, đơn vị; các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, Ban điều hành Tổ dân phố và nhân dân. Song song công tác tuyên truyền miệng các quận-huyện còn thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền khác như: in ấn, phát hành hơn 83.021 bản tin, 6.800 tờ bướm, 117.200 bản tin biên soạn và phát hành tài liệu hỏi đáp về phòng, chống tham nhũng, tổ chức phát thanh (thời lượng ngắn 380 lượt/5 phút một lượt) các tin, bài… liên quan đến phòng, chống tham nhũng; Ngoài ra, Thanh tra thành phố chủ động phối hợp Sở Tư pháp và 26 sở - ngành, quận - huyện tổ chức 51 buổi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Luật Thanh tra 2010 (tại UBND Quận 1, Quận 10, Quận 8, quận Gò Vấp và Tổng Cty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh với hơn 1.600 người tham dự), Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo (tổ chức 09 cuộc phổ biến  với hơn 1.460 người tham dự tại Thành đoàn, UBND Quận 3, quận Bình Tân, huyện Bình ChánhUBND Quận 4.), Luật phòng, chống tham nhũng với 420 lượt người tham dự tại Sở Kế hoạch Đầu tư, UBND quận Bình Thạnh.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, một số sở-ngành, quận-huyện còn tuyên truyền lồng ghép một số văn bản quy phạm pháp luật khác phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và đơn vị, cụ thể: Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thanh tra, Chỉ thị 08/2011/CT-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố để triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/ NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Thông tư Liên tịch số10/2011/TTLT-BNV-TTCP ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Bộ Nội vụ - Thanh tra Chính Phủ hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính

1.2. Việc ban hành văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên trong công tác phòng, chống tham nhũng:

Thành phố đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn chỉ đạo, tiến hành công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố, những quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng năm 2013; các văn bản chỉ đạo về phổ biến, giáo dục pháp luật, biện pháp phòng ngừa tội phạm tham nhũng tiếp tục  thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Chính phủ; thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Kế hoạch 1105/KH-UBND ngày 07/3/2013 về việc thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng” giai đoạn 2012 – 2016.

1.3 Tình hình tổ chức, bộ máy, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện trong công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình hoạt động của các cơ qun chuyên trách về phòng, chống tham nhũng:

Trên cơ sở Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi bổ sung 2007, 2012  các cơ quan Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đều thành lập bộ phận chuyên trách làm công tác phòng, chống tham nhũng và thành phố đã bàn giao Văn phòng Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng cho Thành ủy để thành lập Ban Nội chính Thành ủy. Ngày 27 tháng 8 năm 2013, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã  tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Ban Nội chính Thành ủy.

1.4 Các kết quả khác đã thực hiện để quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng:

Song song với công tác tuyên truyền miệng, thành phố còn chỉ đạo các cơ quan báo, đài thành phố thực hiện các chương trình chuyên đề như: Pháp luật và công dân để tuyên truyên các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Đưa tin phản ánh các hoạt động công khai cải cách thủ tục hành chính; phản ánh, đưa tin các hành vi, vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; Đồng thời, giới thiệu các gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nắm được các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở đó tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; Nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, sử dụng ngân sách nhà nước, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân.

2. Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng:

2.1. Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị:

Ủy ban nhân dân Thành phố thường xuyên chỉ đạo Thủ trưởng các sở-ngành, quận-huyện tiếp tục tập trung rà soát, thay thế, xóa bỏ thủ tục không còn phù hợp, gây phiền hà cho người dân, đồng thời thực hiện giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, công khai hóa các quy trình, thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; niêm yết công khai các loại thủ tục, quy trình, danh sách, địa chỉ các đơn vị cung cấp dịch vụ, các biểu mẫu, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn … tạo môi trường thân thiện cho người dân đến quan hệ về thủ tục hành chính. Trong năm 2013 546 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, chưa phát hiện vi phạm qua công tác kiểm tra.

2.2. Việc xây dựng, ban hành và thực hiện các quy định vế chế độ, định mức, tiêu chuẩn:

Thành phố đã ban hành quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức Chính trị - Xã hội để phát huy trách nhiệm và quyền chủ động cho Thủ trưởng đơn vị trong việc quyết định mua sắm, sửa chữa trang thiết bị và phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức, người đứng đầu theo đúng quy định

Theo báo cáo của các sở-ngành, quận-huyện cho thấy hầu hết cơ quan, đơn vị đều có xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và các quy chế khác có liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị; Hàng năm đều có điều chỉnh định mức, tiêu chuẩn để phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị và hoạt động của cơ quan, đơn vị và tất cả đều thực hiện công khai, dân chủ trong Hội nghị cán bộ, công chức. Trong năm 2013, các sở-ngành, quận-huyện đã triển khai 192 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

2.3. Việc cán bộ, công chức, viên chức nộp lại quà tặng:

Tại Sở y tế Thành phố có 01 trường hợp nộp lại quà tặng với trị giá là 600 ngàn đồng; tại huyện Bình Chánh là 422.824.000đ.

2.4. Về xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức:

Thực hiện Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV của Bộ nội vụ về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng và thực hiện công khai những quy định về thái độ ứng xử của cán bộ, công chức trong làm việc, tiếp xúc, giải quyết công việc cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp và luôn xem đây là một trong nhửng tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời phục vụ cho công tác phân tích chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm. Các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy tắc này, định kỳ khảo sát, lấy ý kiến của công dân, doanh nghiệp; Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế; Qua đó đã giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, tổ chức, đơn vị khắc phục những hạn chế yếu kém, xây dựng tác phong, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, hòa nhã hơn; mức độ hài lòng của công dân và doanh nghiệp tăng lên.

Trong năm 2013, 1.058 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức và phát hiện 02 trường hợp vi phạm, cụ thể: 01 chiến sỹ tại phòng cảnh sát PCCC Quận 4 đã có thái độ cư xử không tốt với người dân ở nơi cư trú gia đình dẫn đến có đơn tố cáo đã xử lý kỷ luật cắt thi đua năm 2013; Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh có 01 cán bộ có lời hứa hẹn cơ sở làm việc nhưng  không thực hiện dẫn đến cơ sở gửi đơn tố cáo, đã xử lý kỷ luật khiển trách năm 2013.

 2.5. Về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức:

Thực hiện Nghị định 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định các danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Trong 9 tháng năm 2013, 36 cơ quan, đơn vị báo cáo đã lập danh sách vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức phải chuyển đổi và đã tiến hành chuyển đổi 1.023 trường hợp. Các lĩnh vực chuyển đổi chủ yếu là: kế toán, thủ quỹ, tư pháp, thanh tra xây dựng, địa chính-nhà đất, thủ kho, quản lý thị trường.

2.6. Về thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập:

Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức năm 2012 đã được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc. Có 100% đơn vị gửi báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập (89/89 đơn vị đầu mối) với 29.368/29.368 người kê khai; số người chưa kê khai là 7 người, nguyên nhân chủ yếu chưa kê khai là đang nghỉ thai sản, nghỉ bệnh và nghỉ không hưởng lương; việc thực hiện công khai bản kê khai tài sản thu nhập cũng được các đơn vị thực hiện bằng các hình thức theo quy định như: niêm yết tại cơ quan, đơn vị hoặc công khai trong cuộc họp.

2.7. Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý phụ trách:

Đối với trường hợp 01 công chức tư pháp của UBND phường 13, quận 11 đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và giả mạo trong công tác vì vụ lợi đã có nghiêm khắc phê bình đối với Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và 01 công chức văn phòng - Thống kê UBND phường 13, quận 11. Các trường hợp khác đang được các cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét về xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

2.8. Việc thực hiện cải cách hành chính:

Công tác cải cách thủ tục hành chính được Ủy ban nhân dân thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chỉ thị về tăng cường các biện pháp thực hiện công tác hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, quy hoạch, đất đai, xây dựng..., kiểm soát chặc chẽ những thủ tục mới phát sinh; mở rộng thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 phiên bản 2008 đến phường - xã, thị trấn. Nhân rộng ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp, khảo sát sự hài lòng của cá nhân và tổ chức đối với cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính; Xây dựng quy trình quản lý công việc của cán bộ, công chức từ cấp phường – xã đến các sở - ngành với quận – huyện.

Thực hiện công tác phối hợp kiểm tra, xử lý tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính, khiếu nại, tố cáo cho cá nhân và tổ chức trên địa bàn thành phố; Thực hiện “Thư xin lỗi” đối với các trường hợp giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức bị trễ hạn. 

2.9. Tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị:

Hiện nay, đa số các sở - ngành, quận - huyện đều tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin, mở rộng ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 trong công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ hành chính cho cá nhân, tổ chức nhằm giải quyết công việc hành chính đạt kết quả tốt nhất đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Nhiều quận-huyện, sở-ngành vẫn duy trì tốt việc phát phiếu nhận xét cho công dân đến giao dịch hành chính để đánh giá mức độ hài lòng đối với việc giải quyết thủ tục hành chính và thái độ làm việc, tiếp xúc của cán bộ, công chức, viên chức. Trong năm 2013713 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã áp dụng ISO trong quản lý hành chính.

2.10. Phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản:

Đến nay, 100% đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố đã thực hiện việc thanh toán, trả lương qua tài khoản. Nhìn chung việc trả lương qua tài khoản được thực hiện tốt trong thời gian qua.

3. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng:

3.1. Phát hiện xử lý qua kiểm tra, giám sát nội bộ.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo tham nhũng tại một số đơn vị (chủ yếu là quận- huyện), đã phát hiện những trường hợp sai phạm như sau: 01 công chức của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cần Giờ đã nhận tiền của dân hứa giúp làm thủ tục hợp thức hóa nhà đất, UBND huyện Cần Giờ đã ra quyết định xử lý kỷ luật công chức với hình thức “buộc thôi việc”; UBND Phường 8, quận 6 đã ra quyết định kỷ luật đối với 01 công chức của phường với hình thức kỷ luật là “hạ bậc lương” và Ủy ban kiểm tra Quận ủy Quận 6 đã ban hành quyết định kỷ luật với hình thức “khai trừ Đảng” vì các cá nhân này có hành vi lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi và chưa thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm của mình; 01 công chức Tư pháp của UBND phường 13, quận 11 đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức Buộc thôi việc, khai trừ Đảng vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn đã có hành vi lập danh sách khống 36 hộ nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước về xây dựng nhà vệ sinh hợp chuẩn để chiếm đoạt số tiền 14.400.000đ; Phát hiện, xử lý 07 công chức, nhân viên thanh tra xây dựng tại các phường 4, 9 và 15 quận Phú Nhuận có hành vi vi phạm quy trình xử lý vi phạm xây dựng, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, nhận tiền của chủ đầu tư. Đã xử lý 07/07, trong đó: 01 Cảnh cáo (tổ chức Đảng: khiển trách); 01 khiển trách, 01 phê bình nghiêm khắc; 04 cho thôi việc bằng hình thức chấm dứt hợp đồng.

3.2. Kết quả thanh tra và việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh tra:

Căn cứ Kết luận số 260/KL-TTTP-P1 ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Thanh tra Thành phố về việc thực hiện các gói thầu san lấp và cho thuê đất tại Dự án Khu CN Cái Mép của Tổng Cty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên; thực hiện ý kiến chỉ đạo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hoàng Quân tại Thông báo số 378/TB-VP ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện các gói thầu san lấp và cho thuê đất tại Dự án Khu CN Cái Mép của Tổng Cty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên. Tổng Cty XD Sài Gòn TNHH một thành viên đã thành lập Hội đồng kỷ luật theo Quyết định số 75/QĐ-TCT ngày 03/7/2013 để xem xét và xử lý các trường hợp vi phạm đối với cán bộ do Tổng Cty quản lý (những sự việc Thanh tra thành phố kết luận đều xảy ra trước năm 2011) như sau:

- Xử lý kỷ luật lao động với hình thức sa thải đối với Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư Tổng Cty, 01 chuyên viên Ban Quản lý KCN Cái Mép, Trưởng phòng Đầu tư hạ tầng và 01 nhân viên của Xí nghiệp Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Chi nhánh thuộc tổng Cty)

3.2.1. Thanh tra hành chính

- Trong năm 2013, toàn ngành Thanh tra thành phố đã thực hiện 210 cuộc thanh tra (trong đó: có 33 cuộc thanh tra năm 2012 chuyển sang và 177 cuộc thanh tra triển khai trong năm 2013) tại 330 đơn vị.

- Về hình thức: 149 cuộc theo kế hoạch và 61 cuộc đột xuất;

- Về tiến độ: kết thúc thanh tra tực tiếp 32 cuộc, ban hành kết luận thanh tra 128 cuộc và đang tiếp tục thực hiện 81 cuộc.

a) Kết luận thanh tra

- Kết quả qua thanh tra phát hiện 54/330 đơn vị có sai phạm; sai phạm về kinh tế là 42.283.629.188 đồng, sai phạm trong quản lý và sử dụng 65.609,25m2 đất. (Trong đó, Thanh tra thành phố phát hiện sai phạm 36.977.477.451 đồng và 51.956,25m2 đất; Thanh tra quận-huyện 4.146.081.128 đồng và 13.653m2 đất; Thanh tra sở - ngành 1.160.070.609  đồng).

- Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi số tiền 8.291.841.338 đồng và 52.561,25m2 đất (trong đó, Thanh tra thành phố kiến nghị thu 6.889.477.451 đồng và 51956,25m2 đất; Thanh tra quận huyện kiến nghị thu 1.402.363.887 đồng và 605m2 đất; kiến nghị cơ quan khác xử lý 11.461.990.850  đồng; kiến nghị xử lý hành chính 35 tập thể và 104 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 06 vụ).

- Kết quả thực hiện cơ quan thanh tra đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước 6.272.416.728 đồng, (trong đó, Thanh tra thành phố đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước 5.930.279.451 đồng, thanh tra quận- huyện 342.137.277 đồng), chuyển cơ quan điều tra 06 vụ (Thanh tra thành phố chuyển 03 vụ, Thanh tra quận 1: 01 vụ, Thanh tra quận 8: 01 vụ, Thanh tra huyện Cần Giờ: 01 vụ).

b) Kết quả kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra:

Ngành Thanh tra thành phố đã kiểm tra rà soát 38 kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, số tiền phải thu 1.092.822.365 đồng, kết quả đã thu 579.751.219 đồng; đã xử lý hành chính 64 cá nhân, công an thành phố đang tạm giam 01 đối tượng để điều tra.

3.2.2. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành

Thanh tra các sở, ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với 30.762 cuộc (1.196 cuộc thành lập đoàn và 29.566 cuộc thanh tra độc lập).

- Đối với 1.196 cuộc thành lập đoàn: Cơ quan thanh tra phát hiện sai phạm 9.059.747.849 đồng, 588 USD và 85.480m2 đất, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền 6.949.640.305 đồng, 588 USD và 85.480m2 đất.

- Đối với 29.566 cuộc thanh tra độc lập: Kết quả qua thanh tra đã phát hiện các đơn vị có thiếu sót, sai phạm trên các lĩnh vực như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, Giao thông vận tải; Văn hóa - thể thao - du lịch; Thông tin - Truyền thông; Tài nguyên môi trường; Y tế; Công thương; Lao động; Kế toán; Xây dựng... đã ban hành 33.605 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 98.229.771.372 đồng, đã thu 70.929.293.220 đồng.

3.3. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng:

- Viện kiểm sát thụ lý kiểm sát điều tra: 24/76 bị can (cũ 15 vụ/58 bị can; mới: 08/14 bị can; án hủy để điều tra lại 01 vụ/04 bị can); CQĐT đã giải quyết: 11 vụ/44 bị can, trong đó: kết luận điều tra: 05 vụ/08 bị can; kết luận điều tra bổ sung: 06 vụ/36 bị can. Hiện còn 13 vụ/32 bị can (TP: 10 vụ/25 bị can).

-  Viện kiểm sát phải giải quyết: 17vụ/74 bị can (cũ: 12 vụ/66 bị can; mới: 05 vụ/08 bị can). VKS đã giải quyết: 17 vụ/74 bị can, trong đó: Truy tố: 11vụ/44 bị can; trả điều tra bổ sung: 06 vụ/30 bị can. Hiện còn 00 vụ/00 bị can.

- Thụ lý kiểm sát xét xử: 21 vụ/98 bị cáo (cũ 09 vụ/43 bị cáo, mới: 11 vụ /44 bị cáo; VKS Tối cao ủy quyền xét xử: 01 vụ/11 bị cáo); Tòa án đã giải quyết 19 vụ /90 bị cáo, trong đó: Xét xử: 11 vụ/44 bị cáo; trả điều tra bổ sung: 08 vụ/46 bị can. Hiện còn: 02 vụ/08 bị cáo (TP: 02 vụ/08 bị cáo)

4. Kết quả thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng:

Ngành Thanh tra thành phố đã triển khai 26 cuộc thanh tra trách nhiệm về thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại 46 đơn vị, qua thanh tra đã giúp cho lãnh đạo quận – huyện, sở - ngành nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành về thực hiện luật Thanh tra, Khiếu nại, tố cáo, kịp thời chấn chỉnh những bất cập, thiếu sót trong công tác phòng chống tham nhũng và đề ra các biện pháp khắc phục.

Kết quả kiểm tra, thanh tra cho thấy, hầu hết các cơ quan, đơn vị có nhiều nỗ lực và nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chống tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng được thực hiện thường xuyên gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm ương đạo đức Hồ Chí Minh” và các đợt học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các nghị quyết, kết luận của Hội nghị lần thứ ba, tư, năm Ban chấp hành TW Đảng (Khóa XI). Qua công tác kiểm tra, một số đơn vị đã tự phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức.

5. Phát huy vai trò của toàn xã hội, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

a) Các nội dung đã thực hiện nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, cơ quan báo chí, ngôn luận và các tổ chức, đoàn thể khác trong phòng, chống tham nhũng;

Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng; xem công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài và có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng được triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân thông qua các cơ quan, tổ chức, đơn vị như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, các cơ quan báo chí, Đài phát thanh, truyền hình,…

Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, cơ quan báo chí, ngôn luận và các tổ chức, đoàn thể khác tác nghiệp và thực hiện công khai đưa hình, tin các hành vi của các đối tượng tham nhũng, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước góp phần vào thực hiện tốt công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố.

b) Những kết quả, đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, cơ quan báo chí, ngôn luận doanh nghiệp và các tổ chức, đoàn thể khác trong phòng, chống tham nhũng;

Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, trong đó có công không ít của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, cơ quan báo chí, ngôn luận doanh nghiệp và các tổ chức, đoàn thể khác. Cụ thể như:

-    Các cơ quan báo chí và phóng viên tích cực thực hiện tốt chức trách nghề nghiệp của mình trong việc tham gia đưa tin và phát hiện về các vụ việc tham nhũng.

- Trong nhiều năm qua, Mặt trận các cấp đã tích cực tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương,  Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Theo đó, rất nhiều văn bản pháp luật đã được các cơ quan trên chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức phong phú, sinh động.

- Các cơ quan báo chí, đài truyền hình, phát thanh và các tổ chức đoàn thể  đẩy mạnh việc thực hiện tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền để phù hợp với các đối tượng khác nhau nhằm nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của xã hội vào công tác phòng, chống tham nhũng.

- Ủy ban Mặt trận các cấp đã tiến hành giám sát việc tiếp dân củ Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, giám sát việc thực hiện công khai các hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời tiếp nhận và phân loại đơn thư của công dân chuyển tải, kiến nghị kịp thời tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết và giám sát việc giải quyết.

Qua công tác giám sát, Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng cơ sở đã kịp thời phát hiện, kiến nghị Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan có thẩm quyền thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời và làm giảm hành vi tham nhũng trên địa bàn thành phố.

6. Kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Kế hoạch thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012

Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban Nhân dân thành phố đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020  (ban hành kèm theo Quyết định số 69/2009/QĐ-UBND ngày 21/9/2009) và Kế hoạch số 1105/KH-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2013 để thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động theo Kết luận số 21-KL/TW của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng” giai đoạn 2012-2016; đồng thời thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Chương trình quốc tế phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và tiến hành công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua như: xây dựng Chương trình hành, Kế hoạch, Chỉ thị, Quyết định,…nhằm triển khai và cụ thể hóa công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố. Định kỳ hàng năm, thành phố đều tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng; Chương trình cải cách hành chính, chống quan liêu trên địa bàn thành phố; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân trên địa bàn thành phố; công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; công tác tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư…; Thành phố rất quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thành phố thực hiện quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra, thanh tra chuyên đề trong năm 2013; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ, các biện pháp phòng ngừa tội phạm tham nhũng, các biện pháp thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố và đã tiến hành tổng kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, sơ kết giai đoạn thứ nhất Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

Qua sơ kết các chương trình, kế hoạch liên quan công tác phòng, chống tham nhũng, thành phố đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời xây dựng các văn bản, quy định theo thẩm quyền phục vụ công tác phòng ngừa tham nhũng; ban hành quy định tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quy chế tổ chức và hoạt động để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; tăng cường quản lý, kiến tra chặt chẽ các nguồn vốn bao gồm: vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp, vốn ODA; rà soát việc triển khai các dự án kém hiệu quả, việc sử dụng nhà, đất lãng phí để xử lý; tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng và kiểm tra, tập trung xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân, dư luận xã hội quan tâm góp phần an dân, đảm bảo giữ vững an ninh, ổn định kinh tế, chính trị, văn hóa,…trên địa bàn thành phố.

 

PX Bảo


Số lượt người xem: 29502    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm