Cảnh báo tấn công ransomware tăng cao; phát hiện thêm hàng trăm website giả mạo để lừa đảo... là những thông tin công nghệ trong nước nổi bật tuần qua.
Cảnh báo tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền - ransomware tăng cao
Trong thông tin mới chia sẻ về tình hình an toàn thông tin mạng tháng 7/2024, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, thực hiện nhiệm vụ phân tích, theo dõi và đưa ra những dự báo, cảnh báo sớm xu hướng tấn công mạng, cơ quan này phát hiện xu hướng tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền - ransomware - tăng cao trong thời gian gần đây.
Chuyên gia khuyến nghị, các đơn vị cần thường xuyên rà quét hệ thống để tìm kiếm các điểm yếu và đầu tư hệ thống giám sát 24/7 để được cảnh báo sớm các rủi ro, nguy cơ. Ảnh minh họa: T.Linh
Để cảnh báo sớm các nguy cơ tấn công có chủ đích, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC thuộc Cục An toàn thông tin đã tiến hành thu thập, phân tích và phát hiện nhiều chỉ báo - IOC về tấn công mạng có thể ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
Danh sách thống kê các chỉ báo có thể ảnh hưởng tới cơ quan, tổ chức doanh nghiệp Việt Nam đã được gửi tới các đơn vị trên toàn quốc.
Trong danh sách này, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng nêu cụ thể từng chỉ báo tấn công mạng liên quan đến các nhóm tấn công APT. Các nhóm tấn công APT được đề cập lần này gồm có APT Kimsuky, APT41, APT VoidBanshee, APT Ghost Emperor và APT MirrorFace.
Cục An toàn thông tin cũng khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước cần chủ động rà soát các máy chủ, máy trạm, rà soát toàn bộ các hệ thống giám sát theo các chỉ báo về tấn công mạng đã được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cung cấp; từ đó, xử lý sớm các rủi ro, nguy cơ trong hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.
Ghi nhận từ hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin về sự gia tăng các cuộc tấn công ransomware cũng tương đồng với đánh giá của nhiều tổ chức, doanh nghiệp cung cấp giải pháp an toàn thông tin trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia, dù là hình thức tấn công mạng không mới song đến nay, tấn công ransomware vẫn là mối nguy lớn đối với nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên toàn cầu và cả ở Việt Nam.
Phát hiện thêm hàng trăm website giả mạo để lừa đảo
Trong thông tin mới chia sẻ về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong tháng 7/2024, hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC đã phát hiện 125 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên không gian mạng.
Giả mạo website cơ quan, tổ chức để lừa đảo là 1 trong 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam, theo đánh giá của Cục An toàn thông tin. Ảnh: NCSC
Trong 125 website mới được phát hiện, có tới 52 trang web giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính và ví điện tử, chiếm hơn 41%; tiếp đó là các website giả mạo các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki và Sendo, chiếm hơn 37% tổng số website giả mạo được ghi nhận trong tháng 7 vừa qua.
Ngoài ra, danh sách website giả mạo được tạo lập với mục đích lừa đảo, bị phát hiện lần này còn có các website giả mạo trang thông tin điện tử của một số cơ quan, tổ chức nhà nước như Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Với việc có thêm 125 website giả mạo được ghi nhận, tính đến nay, cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến do NCSC chịu trách nhiệm vận hành, đã có tổng số 125.059 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức.
Theo nhận định của Cục An toàn thông tin, các đối tượng sử dụng những website giả mạo cơ quan, tổ chức để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo. Mục tiêu hướng đến của các đối tượng lừa đảo là lừa đảo người dân thông qua giả mạo các website của cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính, ngân hàng, các sàn thương mại điện tử, các công ty lớn...
Tốc độ Internet di động Việt Nam tiếp tục tăng
Hệ thống đo tốc độ truy cập Internet i-Speed do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, Bộ TT&TT) phát triển vừa cập nhật các số liệu mới nhất về tình hình chất lượng Internet tại Việt Nam trong tháng 7.
Theo đó, tốc độ Internet tải xuống (download) băng rộng di động tại Việt Nam trong tháng 7 đạt trung bình 54.34 Mbps, tăng nhẹ so với hồi tháng 6 (52.4 Mbps). Tốc độ Internet tải lên (upload) băng rộng di động trung bình đạt 21.19 Mbps, tương đương tháng 6/2024.
Tốc độ, độ trễ mạng băng rộng di động trên cả nước tháng 7/2024. Thống kê: VNNIC
Tốc độ Internet di động tải xuống trung bình tại Việt Nam đã giữ đà tăng trưởng trong 5 tháng liên tiếp, kể từ tháng 3/2024. Trong quãng thời gian này, tốc độ download di động đã tăng từ 38.69 Mbps (tháng 3) lên 54.34 Mbps (tháng 7), tương đương khoảng 40%. Tỷ lệ này tăng khoảng 20% với tốc độ upload di động.
Với băng rộng cố định, tốc độ Internet tải xuống trung bình trên cả nước trong tháng 7 là 100.28 Mbps. Tốc độ tải lên trung bình tháng 7 là 102.34 Mbps. Trong 3 tháng gần đây, tốc độ Internet cố định cả đường lên lẫn đường xuống giữ ở mức ổn định, biến động không đáng kể, ở mức 1%.
Nguồn: BTV