Trong 6 năm qua, ngành Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đã triển khai 442 cuộc thanh tra hành chính, 6.198 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, 146 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và 143 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nội dung thanh tra tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực, như: Thanh tra công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, mua sắm công; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất; việc quản lý, sử dụng Quỹ vì người nghèo, Quỹ an sinh xã hội, Quỹ bảo trợ trẻ em... (thanh tra hành chính); thanh tra hoạt động khám chữa bệnh, kinh doanh dược, mỹ phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản; sản xuất, kinh doanh cây giống, con giống; kinh doanh tôm nguyên liệu; thanh tra việc thực hiện pháp luật về lao động, an toàn lao động, thực hiện chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; an toàn giao thông, hoạt động kinh doanh vận tải, chấp hành các quy định trong vận tải thủy nội địa... (thanh tra chuyên ngành)

Đồng thời, ngành Thanh tra tỉnh Bạc Liệu còn thực hiện các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất; việc thực hiện Đề án kiến cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2011; về nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ; thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; việc quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 103.460 triệu đồng và 44.933m2 đất, kiến nghị thu hồi 37.079 triệu đồng, đã thu hồi nộp ngân sách được 24.889 triệu đồng, kiến nghị xuất toán, chấn chỉnh, điều chỉnh, truy thu 66.381 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 33.836 triệu đồng, đã thu 33.651 triệu đồng nộp ngân sách.

Kiến nghị xử lý hành chính 40 tập thể, 228 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 05 vụ liên quan đến 08 đối tượng; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 36 tập thể, 107 cá nhân có hạn chế, thiếu sót về tiếp công dân, quy trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; hạn chế, thiếu sót trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, minh bạch tài sản, thu nhập...

Có thể khẳng định, trong thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Thanh tra Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, việc triển khai thi hành Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành được các ngành, các cấp trong tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện nên đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, công tác quản lý kinh tế, xã hội và công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Cơ cấu tổ chức ngành Thanh tra ngày càng được củng cố và kiện toàn, đặc biệt là đối với Thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra cấp huyện; cán bộ, công chức ngành Thanh tra không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Thông qua hoạt động thanh tra đã phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thanh tra thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định như: chất lượng, hiệu quả một số cuộc thanh tra chưa cao, thời gian thanh tra còn kéo dài, nhất là giai đoạn báo cáo và kết luận thanh tra, việc thực hiện kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra chưa kịp thời và nghiêm túc, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát còn thấp. Sự phối hợp và hiệu quả các cuộc thanh tra liên ngành chưa cao, còn xảy ra hiện tượng chồng chéo đối tượng thanh tra, nhất là đối với doanh nghiệp.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do Luật Thanh tra quy định mối quan hệ giữa cơ quan Thanh tra Nhà nước cấp trên đối với cơ quan Thanh tra Nhà nước cấp dưới chỉ là mối quan hệ chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, còn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan Thanh tra thì phụ thuộc nhiều đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp như: Xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra, kết luận, kiến nghị xử lý về thanh tra, cơ cấu tổ chức cán bộ, bố trí kinh phí, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện...; Luật Thanh tra chưa quy định biên chế cụ thể đối với ngành Thanh tra nên gặp khó khăn trong việc bố trí biên chế của các ngành và địa phương, biên chế nhiều cơ quan Thanh tra còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (Thanh tra Sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố);  Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra chưa quy định rõ các biện pháp để xử lý những trường hợp cố tình không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra;  Do cơ chế về phân cấp quản lý cán bộ nên có trường hợp dự thảo kết luận thanh tra phải xin ý kiến cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc kiến nghị xử lý những cán bộ, công chức có thiếu sót, vi phạm được phát hiện qua thanh tra, từ đó làm kéo dài thời gian kết luận thanh tra;  Khi Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành chậm ban hành nên gây khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.

 

Quang cảnh hội nghị tổng kết Luật Thanh tra của UBND tỉnh Bạc Liêu
 

 

Trên cơ sở đánh giá những mặt đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân nêu trên, UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Luật Thanh tra cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng sau:

Một là, đảm bảo thực hiện nguyên tắc trong hoạt động thanh tra là tuân theo pháp luật, đồng thời đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra. Về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Thanh tra Nhà nước cần quy định tập trung, thống nhất và nâng cao tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động thanh tra theo lộ trình của Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 08/12/2015).

Hai là, Luật cần quy định rõ hơn về đối tượng, nội dung giữa hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Trong thực tế có trường hợp khó phân biệt giữa nội dung, đối tượng của hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành (hoạt động thanh tra về công tác đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản của Thanh tra tỉnh với Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư). Đồng thời, quy định rõ về nội dung, đối tượng thanh tra chuyên ngành giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nội dung, đối tượng thanh tra hoặc bỏ sót nội dung, đối tượng thanh tra trong lĩnh vực quản lý.

Ba là, tăng thời hạn phê duyệt kế hoạch thanh tra từ 15-20 ngày để Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xem xét phê duyệt. Về thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra cần quy định rõ là “ngày làm việc” theo quy định của pháp luật.

Bốn là, quy định Thanh tra Nhà nước được khởi tố và điều tra ban đầu khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra.

Năm là, do cơ chế phân cấp quản lý cán bộ, nên có trường hợp kết luận thanh tra phải báo cáo cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp. Vì vậy, Luật cần quy định tăng thời hạn ban hành kết luận thanh tra trong một số trường hợp. Đồng thời, thống nhất về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thanh tra chuyên ngành giữa Luật Thanh tra và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Sáu là, nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; quy định biện pháp để nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Luật Thanh tra cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, số biên chế tối thiểu đối Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở và Thanh tra huyện. Điều chỉnh phụ cấp thanh tra viên hợp lý giữa các ngạch công chức thanh tra, xếp phụ cấp thâm niên nghề thanh tra kể từ khi được vào biên chế ngành Thanh tra (không nhất thiết phải là thanh tra viên)./.

Đình Thuyết