Theo TTCP cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành triển khai thực hiện công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh được giải quyết kịp thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tê - xã hội, giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị của địa phương.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình khiếu kiện vẫn còn diễn ra phức tạp, một số địa phương có phát sinh khiếu nại đông người, vượt cấp, nhất là trên là trên lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án trọng điểm. Chế độ chính sách cho các đối tượng có công với cách mạng đã và đang là những vấn đề nổi cộm, gây áp lực cho chính quyền địa phương, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Qua thanh tra 12 huyện, thị xã, thành phố và 6 Sở, ngành tại Quảng Nam, TTCP phát hiện: Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ chưa đầy đủ theo quy định (từ 1-1-2013 đến 30-9-2016, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh tiếp 34/35 lần, đạt 75,5%, ủy quyền cho Phó Chánh văn phòng và Phó Giám đốc Sở TN&MT tiếp 3 lần). Việc kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các Sở, ngành, huyện, thị chưa được thường xuyên. Vẫn còn đơn thư khiếu nại vượt cấp lên cấp trên. Việc tham mưu của cơ quan chuyên môn có việc chưa chặt chẽ, đầy đủ theo quy định của pháp luật.

 

Đối với một số huyện, thị xã, thành phố và Sở, ngành, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế, chưa thường xuyên và sâu, rộng đến cơ sở. Chưa đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Dẫn đến một bộ phận nhân dân chưa hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nên còn tình trạng đơn thư vượt cấp, không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc gửi đơn thư nhiều nơi.

 

Bên cạnh đó, việc thực hiện kế hoạch thanh tra còn chậm, có một số cuộc thanh tra kéo dài so với thời gian quy định. Một số kết luận thanh tra phát hiện sai phạm về kinh tế có giá trị lớn, nhưng kết quả xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm thì không nhiều. Đồng thời không nêu đích danh tập thể, cá nhân phải được xem xét xử lý do có liên quan đến những sai phạm. Việc tổ chức thực hiện các kiến nghị xử lý hành chính của một số nơi còn xem nhẹ, chủ yếu xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm do vậy chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra.

 

Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị quyết định xử lý sau thanh tra thì chưa được triệt để, kiên quyết. Công tác đôn đốc thu hồi sau thanh tra được triển khai thực hiện thường xuyên nhưng tỷ lệ thu hồi tiền sai phạm nộp vào ngân sách hàng năm vẫn còn thấp.

 

Chất lượng một số cuộc thanh tra còn thấp. Một số cuộc thanh tra thực hiện chưa đúng với nội dung kế hoạch thanh tra được phê duyệt. Không có thông báo kết thúc thanh tra trực tiếp tại địa phương. Chưa có sổ nhật ký đoàn thanh tra theo mẫu. Một số đơn vị chưa trú trọng đến công tác thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

Đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Chủ tịch UBND một số huyện và Thủ trưởng một số sở, ngành tiếp dân định kỳ chưa đầy đủ theo quy định. Điển hình như: huyện Đại Lộc tiếp 36/90 lần (đạt 40%), huyện Hiệp Đức tiếp 44/90 lần (đạt 48,9%), Thị xã Điện Bàn tiếp 17/90 lần (đạt 18,9%), Sở Tài nguyên và môi trường tiếp 8/45 lần(đạt 17,8%). Riêng tại thành phố Tam Kỳ, huyện Phước Sơn, huyện Quế Sơn, huyện Duy Xuyên, Sở GDĐT, Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở GTVT… việc tiếp dân định kỳ và thường xuyên ghi chung một sổ, không ghi họ, chức vụ tên cán bộ tiếp công dân nên không xác định được việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc Sở theo quy định.

 

Một số cơ quan, đơn vị chưa nêm yết lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo và trụ sở tiếp công dân chưa được bố trí riêng. Đội ngũ cán bộ, chức chức làm công tác tiếp dân, xử lý, tham mưu giải quyết đơn thu khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm, chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những mặt hạn chế nhất định.

 

Theo đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc tiếp công dân theo quy định. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở các huyện, thị và các sở, ngành để chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

 

Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tăng cường việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.

 

L.A