Ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái giải thích tiền xây quần thể biệt thự, trang trại... do gia đình huy động từ nhiều nguồn, trong đó vay ngân hàng gần 20 tỷ đồng. Bản thân ông từ thời trẻ đã làm đủ thứ nghề như buôn chổi đót, lá chít tới việc ủ men nấu rượu, làm bánh kẹo, mở xưởng đóng giày… Ảnh: vtc.vn
Ý kiến của ông Cục trưởng Chống tham nhũng nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao từ dư luận. Chưa dừng lại ở đó, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải sớm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng để xã hội sớm đạt được giá trị minh bạch.
Từ trước đến nay, tài sản của ai đó tăng hay giảm bất thường thì mới yêu cầu giải trình nguồn gốc. Mới đây, giải trình của Giám đốc Sở “Tài-Môi” Yên Bái khiến dư luận buồn cười về sự “ngây thơ”, tài sản hình thành một phần quan trọng từ nuôi lợn, gà! Ai tin điều đó là sự thật?. Nếu sự thật như ông giám đốc giải trình thì quả là “Làm giàu không khó”?!
Bà Hồ Thị Kim Thoa- Thứ trưởng Bộ Công thương vi phạm quy định trong kê khai tài sản và quy định trong cổ phần hóa doanh nghiệp. Gia đình bà Thoa sở hữu 718 tỷ đồng cổ phần ở Công ty bóng đèn Điện Quang, trong đó bà Thoa hơn 100 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai “chống lưng” cho Công ty Cường Hưng (Công ty chồng bà Thanh) khai thác 100ha mỏ đá, 91,7ha đất làm khu dân cư thương mại, làm đường vận chuyển vật liệu xây dựng… với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trước đó, ông “hội đồng” Trịnh Xuân Thanh và “hot girl” xứ Thanh với nghi án người thân sở hữu nhiều tài sản có giá trị của cặp đôi “cao chạy xa bay” này. Dư luận trong xã hội kiến nghị: Đối tượng thân nhân của các cán bộ cũng cần phải kê khai tài sản, bởi thực tế nhiều người thân đã và đang đứng tên cho nhiều khối tài sản bất minh. Để thu hồi tận gốc tài sản bất minh, người dân kiến nghị cần hình sự hóa tài sản bất hợp pháp trong đó có tài sản không rõ nguồn gốc. Sự đồng thuận này cho thấy quyết tâm lớn của nhân dân về chống tham nhũng.
Vấn đề đặt ra là: Đề nghị của ông Cục trưởng chống tham nhũng và ý kiến của đông đảo nhân dân có phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ Quốc tế?
Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng từ nhiều năm nay chỉ đạt ở con số quá khiêm tốn, trong khi những cá nhân tham nhũng thì tài sản “cả họ ăn cả đời không hết”. Ở nhiều nơi cuộc sống xa xỉ của nhóm đối tượng này tạo nên sự tương phản lớn đối với hàng triệu người nghèo, gây nên sự mặc cảm và bức xúc trong xã hội…
Ở các nước tiên tiến và ngay cả những nước đang phát triển, với những tài sản bất minh do kê khai không hợp lý, giải thích không rõ nguồn gốc… đều bị tịch thu xung công quỹ. Ở Việt Nam chưa thực hiện hiệu quả điều đó cho nên tham nhũng vẫn tồn tại và trở thành thách thức, nguy cơ đối với sự tồn vong của quốc gia. Ở các nước tiên tiến, nhiều người giàu sắm cả máy bay dát vàng, du thuyền xa xỉ, dinh thự xa hoa… nhưng không gây bức xúc trong xã hội bởi tài trí của họ được xã hội nể trọng, tài sản của họ được pháp luật công nhận và xã hội thừa nhận.
Về bản chất xã hội tiên tiến, thì minh bạch là mục tiêu và cũng là nội dung, tiêu chí để đánh giá chất lượng của một nền dân chủ. Do vậy, giám sát tài sản cán bộ, quan chức như thế nào cho hiệu quả cũng là một trong những giải pháp tiến tới một nền dân chủ. Chống tham nhũng là “rút dây động rừng”, bởi trong xã hội hiện nay có hiện tượng hình thành lợi ích chuỗi, lợi ích nhóm. Ảnh hưởng quyền lợi của một người sẽ tác động đến lợi ích của cả nhóm. Do vậy, ngăn cản, bao che cho cái sai là rất lớn, cho nên chống tham nhũng là hoạt động khó khăn và phức tạp. Những vụ việc sai phạm vừa được nêu trên đã có kết luận của cơ quan điều tra hoặc sắp có kết luận. Vấn đề mà dư luận quan tâm là, xử lý sai phạm đến mức mào để có sức thuyết phục, tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn đối với những vụ việc đang manh nha. Dư luận đang chờ.
Thiết nghĩ rằng, một quốc gia giàu có khi tổng tài sản của quốc gia đó đạt giá trị cao và số lượng người giàu chiếm tỷ lệ đáng kể trên tổng số dân. Từ xa xưa, cha ông ta đã đúc rút qua các thời kỳ hưng thịnh của đất nước: “Dân có giàu thì nước mới mạnh”. Nhưng thật đáng buồn với những kiểu giàu như những nhân vật tai tiếng hiện nay ở Việt Nam thì làm cho đất nước nghèo đi về vật chất, yếu về thể chế, giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ. Do vậy, bổ sung hình sự hóa tài sản không rõ nguồn gốc là việc nóng cần làm ngay.