SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
1
7
7
8
7
7
Tin tức sự kiện 03 Tháng Bảy 2017 8:35:00 SA

(TTTP) Khởi động đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

 

(PL)- Theo dự tính, đi tuyến đường sắt TP.HCM đến Cần Thơ sẽ chỉ mất 45 phút, trong đó tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách.

 

Ngày 2-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đã giao cho phòng Quản lý xây dựng giao thông đường bộ phụ trách, lên kế hoạch làm việc với các tỉnh để thống nhất quy hoạch tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Trước đó, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về việc này sau buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ vào ngày 15-6.

Cần thiết phải xây dựng đường sắt

Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở GTVT TP.HCM chủ trì phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành nói trên, Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam và Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam để thống nhất quy hoạch đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Qua đó làm cơ sở trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt này.

TP giao Sở KH&ĐT TP.HCM chủ trì, thống nhất phương thức hợp tác đầu tư cho tuyến đường sắt, đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

 

Theo đề xuất dự án của Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam và Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam trình bày tại buổi họp ngày 15-6, việc đầu tư xây dựng đường sắt nối hai trung tâm kinh tế lớn phục vụ phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng là rất cần thiết.

Trước đó, cuối năm 2013, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ GTVT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và đại diện các tỉnh ĐBSCL, Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam cùng Tập đoàn EDES Hoa Kỳ đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư hệ thống đường sắt này.

 

Khởi động đường sắt TP.HCM - Cần Thơ - ảnh 1

 

Giảm tải cho đường bộ

Theo dự báo của nghiên cứu VITRANSS 2 do đoàn nghiên cứu JICA thực hiện, đến năm 2030 khối lượng vận tải hành khách trên hành lang TP.HCM - Cần Thơ sẽ tăng gấp 4,5 lần so với năm 2008; khối lượng vận tải hàng hóa cũng sẽ tăng gấp ba lần năm 2008.

Kinh nghiệm cho thấy không thể mở rộng mãi hệ thống đường bộ để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao.

Đoàn nghiên cứu JICA cho rằng chìa khóa cho việc giải quyết các hạn chế năng lực cho hành lang này là cân bằng các phương thức vận tải. Mặt khác, để giảm tải cho đường bộ, nhất là trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa cần tốc độ cao (như hàng bách hóa, hàng tươi sống, hàng đông lạnh phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng…) cần có sự tham gia của phương thức vận tải đường sắt trên hành lang này.

 

Kết nối hàng loạt đô thị

Trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2009 đã đề cập đến quy hoạch xây dựng đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Năm 2011, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này… Bên cạnh đó, Nghị quyết số 13 ngày 16-1-2012 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã xác định đến năm 2020 phải hình thành tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Do vậy, năm 2013 Bộ GTVT có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt nói trên.

Theo đó, phạm vi dự án được xác định từ ga An Bình (Bình Dương) đến ga Cái Răng (TP Cần Thơ) với hướng tuyến đi qua các đô thị dọc tuyến (TP.HCM, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, TP Cần Thơ) và kết nối với nhánh vào cảng Hiệp Phước, cảng Long An.

Căn cứ theo tiến độ xây dựng các công trình liên quan và nhu cầu vận tải trên tuyến, dự án được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ ga Tân Kiên (TP.HCM) đến ga Cái Răng (TP Cần Thơ).

Giai đoạn 2 từ ga An Bình (Bình Dương) đến ga Tân Kiên và nhánh đường sắt vào cảng Hiệp Phước.

Khi hoàn thành, tuyến đường sắt tốc độ cao này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL, kết nối đồng bằng với cả nước và mở cửa cho Đông Nam Á (thông qua các tuyến đường sắt xuyên Á).

Một vài thông số về tuyến đường sắt

Toàn tuyến dài 134 km với 10 ga, khổ đường 1.435 mm, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 3,6 tỉ USD và được xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Cấp của đường sắt: Cấp 1.

Số làn chính: 2.

Công suất: Đầu máy diesel sẽ được sử dụng cho tàu chở hàng và DMU (diesel nhiều đơn vị) sẽ được sử dụng cho tàu chở khách.

Kế hoạch để chuyển sang đầu máy điện và EMU-Electric sẽ được xem xét trong tương lai.

Độ dốc tối đa: 9%.

Chiều dài ga đường sắt: 500 m.

Các thông số kỹ thuật trên theo các tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt quốc tế TCN-2007.

HỒNG TRÂM - GIA TUỆ

Số lượt người xem: 1272    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm