Được biết, mục đích của nghiên cứu này là nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra trong việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức nhằm phòng ngừa tham nhũng hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất và luận giải các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy đinh pháp luật về vấn đề này, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới.

Theo Ban chủ nhiệm, đề tài được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí gồm ba nội dung chính là: Một số vấn đề chung về chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; thực trạng chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức; phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức nhằm phòng, chống tham nhũng..

 

 

Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài 
 

 

Tham dự và chủ trì buổi nghiệm thu đề tài, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện KHTT đánh giá, nội dung nghiên cứu đưa ra có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để hoàn thiện đề tài cần bổ sung, Ban chủ nhiệm đề tài cần tiếp cận theo hướng mở rộng trong đó phải phân tích làm rõ bản chất của việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức hiện nay; bổ sung các điều kiện bảo đảm việc chuyển đổi vị trí công tác và làm rõ một số nguyên tắc của việc chuyển đổi vị trí công tác như: không làm mất tính ổn định trong hoạt động của nền hành chính; phải bảo đảm chuyên môn; phải bảo đảm lợi ích của người chuyển đổi vị trí công tác.

Bên cạnh đó, về phần thực trạng, Phó Viện trưởng Viện KHTT yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài cần tách riêng phần hạn chế và nguyên nhân; bổ sung đánh giá sâu hơn thực tiễn việc ban hành văn bản của các Bộ, ngành đối với việc chuyển đổi vị trí công tác hiện nay; nhấn mạnh vào nội dung đánh giá việc lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác để trù dập cán bộ, công chức.

Có thể nói, Ban chủ nhiệm đề tài đã vạch ra được một số định hướng, giải pháp, tuy nhiên cần bổ sung làm sâu sắc hơn một số nội dung. Các giải pháp cần chi tiết và có tính toàn diện hơn. Cụ thể, việc hoàn thiện pháp luật cần vượt ra ngoài Luật PCTN; cần phân nhóm các giải pháp: Giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; giải pháp về đổi mới việc rà soát việc chuyển đổi vị trí công tác; giải pháp về tăng cường công tác kiểm tra giám sát; giải pháp về nâng cao ý thức trách nhiệm đối với CBCC đối với vấn đề chuyển đổi vị trí công tác; giải pháp về tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất.

Với kết quả nghiên cứu đạt được, Hội đồng nhất trí thông qua nghiệm thu đề tài với xếp loại khá. Chủ nhiệm đề tài tiếp thu và chỉnh sửa theo những đánh giá góp ý của Hội đồng trước khi nộp sản phẩm./.

L.A