Nhiều khu đất công tại TP.HCM đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí. Có những nơi doanh nghiệp đã tự ý “cắt” đất giao cho cán bộ công chức, nhiều nơi thì bị người dân chiếm giữ trái phép.
Đất công bị chiếm dụng trái phép
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM, hiện thành phố có 746 khu đất chưa có pháp lý để sử dụng đất và được giao cho các cơ quan nhà nước quản lý.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP quản lý 110 khu đất; công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận, huyện quản lý 636 khu đất. Ngoài ra, thành phố còn có 224 khu đất công do các đơn vị sử dụng đất khác đang quản lý sử dụng, cũng chưa có pháp lý sử dụng đất.
Trong số đất công này, nhiều khu đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí. Thậm chí, có những nơi doanh nghiệp đã tự ý “cắt” đất giao cho cán bộ, công chức. Nhiều nơi bị người dân chiếm giữ đất trái phép.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hết hạn thuê đất hoặc sử dụng không đúng mục đích bị thu hồi đất nhưng đa số không thực thi quyết định thu hồi nên công tác thu hồi đất công bị kéo dài nhiều năm khiến chây ỳ, đùn đẩy trách nhiệm mà không hợp tác.
Đơn cử như khu đất có diện tích 1.700m2 nằm trên mặt tiền đường Phạm Văn Đồng (quận 3) do Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV quản lý. Khu đất này đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Hay khu đất rộng hơn 2.000m2 nằm ở địa chỉ 360 Xa lộ Hà Nội (quận 9). Khu đất này được giao cho Công ty Colas thuê để làm nhà xưởng, địa điểm kinh doanh nhưng khi đến thời hạn phải trả đất, doanh nghiệp này tự ý cho một doanh nghiệp khác thuê lại.
Tương tự, khu đất của Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) trên sổ sách quản lý có diện tích khoảng 6.600 ha, thế nhưng qua kiểm kê, hiện tại khu đất chỉ còn 550 ha…
Đáng chú ý, trong năm 2016, TP.HCM đã lập thủ tục đấu giá, thu hồi 108 khu đất, với tổng diện tích hơn 213 ha nhưng đến nay mới thu hồi và tiếp nhận được 88 khu đất với diện tích hơn 204 ha, còn 21 khu đất với diện tích hơn 8,2 ha đang xử lý thu hồi để đem đấu giá, làm quỹ đất đối ứng cho các dự án hợp tác công-tư.
Cũng trong năm này, Sở TN-MT đã 3 lần phát công văn đề nghị UBND 24 quận huyện thực hiện công tác kiểm tra, báo cáo rà soát. Đến nay, cơ quan này nhận được báo cáo của 21 quận huyện, còn quận 1, huyện Bình Chánh và Cần Giờ chưa có báo cáo cụ thể.
Sẽ thu hồi đất sử dụng sai mục đích
Nhằm nắm rõ thực trạng trên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp UBND quận huyện, Ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính), các công ty dịch vụ công ích quận huyện phải tiếp tục thực hiện việc rà soát, kiểm tra.
Sau khi rà soát, các cơ quan này phải xác định trong số các khu đất được giao tạm quản lý, giữ hộ, thì có bao nhiêu trường hợp khu đất đang sử dụng kinh doanh. Từ đó, Ban chỉ đạo 09 tham mưu trình UBND TP ủy quyền cho các công ty ký hợp đồng thuê đất ngắn hạn hàng năm với Sở TN-MT, hướng dẫn lập thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất theo quy định.
Về vấn đề này, ông Võ Công Lực, Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM thừa nhận, hiện nay thành phố có rất nhiều khu đất công bị bỏ hoang nhiều năm, cho các doanh nghiệp thuê nhưng lại sử dụng sai mục đích. Thậm chí, có những trường hợp lấn chiếm xây dựng nhưng đến khi có quyết định thu hồi đất thì rất khó khăn. Nguyên nhân là do các đơn vị này đùn đẩy trách nhiệm, không chịu hợp tác.
Đồng quan điểm với ông Lực, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, trước đây đã xuất hiện tình trạng giao đất không đúng thẩm quyền, dẫn đến có tình trạng người dân hoặc cán bộ công chức ở trong đó quá lâu; việc tổ chức di dời, xử lý các tài sản trên đất theo quy định của pháp luật rất khó khăn khiến công tác thu hồi kéo dài.
Để thu hồi lại quỹ đất này, Sở Tài Chính TP.HCM nói rằng chủ trương là trong quá trình rà soát, nếu phát hiện quỹ đất công nào bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, không hiệu quả thì đề xuất để thu hồi.
Với các quỹ đất thuộc thẩm quyền quản lý của Trung ương như công ty lương thực, tổng công ty thép… Sở sẽ báo cáo lên Bộ Tài chính làm việc với các cơ quan chủ quản để có phương án thu hồi. Đối với các quỹ đất mà đơn vị quản lý “cắt” giao cho cán bộ công chức ở nay nhà nước thu hồi nhưng nhiều đơn vị cố tình không thực hiện, thành phố yêu cầu chuyển giao nguyên trạng về để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới tình trạng đất công sử dụng sai mục đích, tại buổi giám sát của Ban kinh tế ngân sách, HĐND TP.HCM về việc sử dụng đất công trên địa bàn mới diễn ra gần đây, nhiều lãnh đạo Sở, ngành đã kiến nghị phải thu hồi để tránh lãng phí tài nguyên đất. Nhiều ý kiến cho rằng quỹ đất công phải được đem đấu giá, tạo nguồn vốn cho thành phố.
Phan Diệu