Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được xây dựng với mục tiêu thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả các loại tài sản công đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan. Tuy nhiên, tài sản công của nước ta có phạm vi rộng, dự thảo Luật được xây dựng trong bối cảnh nhiều loại tài sản công cụ thể đã có luật điều chỉnh. Vì vậy, nội dung của dự thảo Luật được thiết kế theo các nguyên tắc: Quy định những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tất cả các loại tài sản công; Quy định toàn diện chế độ quản lý, sử dụng đối với những loại tài sản đang được điều chỉnh tại Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành và những loại tài sản chưa có luật điều chỉnh, đang được quy định chế độ quản lý, sử dụng tại các văn bản dưới luật (như: Tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước); Quy định chế độ khai thác và quản lý nguồn lực tài chính đối với các loại tài sản công khác. Đối với tài sản công đã ở hình thái là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.
Việc xây dựng Luật với phạm vi như trên nhằm có được những nguyên tắc chung nhất trong việc quản lý, sử dụng tất cả các loại tài sản công nhưng vẫn bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tạo cơ sở để nắm được tổng thể tài sản công của đất nước.
Toàn cảnh buổi họp báo chuyên đề về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Dự thảo Luật quy định nội dung công khai, nguyên tắc công khai và hình thức công khai đối với tài sản công. Để bảo đảm quy định về công khai đi vào thực chất, ngoài chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, Ban Thanh tra nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công, tập trung vào các nội dung: Văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công. Việc giám sát của cộng đồng được thực hiện theo 04 hình thức: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã.
Để nâng cao tính răn đe, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, dự thảo Luật quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này quy định nội dung cấm sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ; cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.
Về xử lý vi phạm, các hành vi gây thiệt hại về tài sản công thì trước hết phải bồi hoàn đầy đủ cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước đối với việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết, dự thảo quy định các yêu cầu phải tuân thủ: Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; Không làm mất quyền sở hữu về tài sản của Nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao; Sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; Tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời, việc khai thác tài sản phải được lập thành Đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng tài sản vào các mục đích nêu trên phải tuân thủ theo cơ chế thị trường. Tiền thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được hạch toán riêng theo quy định của pháp luật về kế toán và được quản lý, sử dụng theo cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập./.
L.A