(PL)- Qua ba lần đề xuất về diện tích bình quân nhà ở để nhập hộ khẩu tại TP.HCM thì đây là con số lớn nhất.
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có thông báo kết luận về công tác nghiên cứu quy định về diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP. Sở cho hay nội dung trên đã được thống nhất tại cuộc họp ngày 17-4 vừa qua với các thành viên tổ công tác liên ngành nghiên cứu.
Theo đó, các thành viên phân chia địa bàn TP.HCM thành hai khu vực có diện tích nhà ở bình quân khác nhau. Cụ thể, khu vực 1 gồm địa bàn năm huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè: Có diện tích nhà ở bình quân là 10 m2/người. Khu vực 2 gồm 19 quận còn lại thì có hai phương án: Nếu số liệu diện tích sàn nhà ở bình quân thấp hơn 19,8 m2/người (số liệu nêu tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần X nhiệm kỳ 2015-2020) thì chọn diện tích 19,8 m2/người; trong trường hợp số liệu diện tích sàn nhà ở bình quân cao hơn con số 19,8 m2 thì sẽ chọn số liệu là thực tế sàn nhà ở bình quân. Tóm lại, theo ý kiến các thành viên tổ công tác, để đăng ký hộ khẩu tại TP.HCM theo diện nhà ở thuê, mượn hoặc ở nhờ thì cá nhân phải có chỗ ở có diện tích ít nhất 10 m2/người tại năm huyện ngoại thành. Còn tại các quận thì diện tích này là 19,8 m2/người hoặc thậm chí cao hơn.
Cá nhân ở thuê, ở nhờ phải có chỗ ở có diện tích ít nhất 10 m2/người tại năm huyện ngoại thành mới được đăng ký hộ khẩu tại TP.HCM . Ảnh: HTD
Trước đó, năm 2014, Sở Xây dựng TP đề xuất tại năm huyện nói trên diện tích nhà ở bình quân là 8 m2/người, còn tại 19 quận là 16 m2/người. Theo Sở, việc quy định diện tích tối thiểu tại các huyện nhỏ hơn các quận là nhằm khuyến khích người nhập cư đăng ký hộ khẩu tại các khu vực này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng thuận mà đề nghị con số nhỏ hơn. Luồng quan điểm này cho rằng việc quy định diện tích lớn khi đăng ký hộ khẩu cũng không làm giảm áp lực dân số và hạ tầng của TP. Trong khi đó nhiều người tạm cư không ổn định chỗ ở sẽ gây khó cho quản lý cư trú, an ninh trật tự. Nếu không được đăng ký hộ khẩu, lâu dài con cái của họ sẽ bị thiệt thòi về chăm sóc y tế, việc làm, học tập.
UBND huyện Hóc Môn cho rằng nên hạn chế việc tập trung đông dân bằng giải pháp kinh tế hơn là can thiệp bằng biện pháp hành chính. Quận 4 thì đề nghị con số 4-6 m2/người vì theo tiêu chuẩn xây dựng, diện tích tối thiểu một căn hộ là 30 m2, diện tích bình quân đầu người không nhỏ hơn 6 m2.
Đến tháng 11-2016, tại cuộc họp giữa TP và các quận/huyện, Sở Xây dựng TP sửa lại đề xuất thành 10 m2/người với địa bàn năm huyện, 15 m2/người tại các quận.
Như vậy, con số quy định diện tích bình quân Sở Xây dựng TP đưa ra lần này là lớn nhất từ trước đến nay. Còn lâu nay tại TP.HCM, diện tích nhà ở bình quân khi đăng ký hộ khẩu là 5 m2/người.
Về lâu dài nên bỏ hộ khẩu
Việc Sở Xây dựng TP đề xuất diện tích bình quân nhà ở khi đăng ký hộ khẩu thể hiện chủ trương hạn chế dân nhập cư vào trung tâm TP. Về hiệu quả, tôi nghĩ giải pháp này cũng có thể đạt được một phần nhưng chủ yếu là về mặt quản lý hành chính. Còn thực tế, dù có hộ khẩu hay không thì nơi nào có việc làm tốt, thuận tiện cho đời sống thì người dân vẫn đến.
Hiện nay hộ khẩu vẫn còn đi đôi với những chính sách, quyền lợi trong khi hạ tầng các quận không kịp chuẩn bị nên không đáp ứng nổi. Do đó, chính quyền buộc phải tìm chính sách hạn chế việc nhập hộ khẩu tại các quận, khuyến khích nhập hộ khẩu tại các huyện. Tôi chia sẻ với TP về những khó khăn này nhưng về lâu dài tôi ủng hộ việc bỏ hộ khẩu như đại đa số các nước. Một đô thị lớn muốn phát triển bền vững thì cũng phải cần đến lực lượng này. Phải tìm cách chào đón chứ không phải tìm cách hạn chế họ.
TS-KTS VÕ KIM CƯƠNG
Do có nhiều ý kiến khác nhau, cuối năm 2016, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa chỉ đạo cần phải nghiên cứu kỹ nội dung này để tránh gây khó khăn cho người dân. Ông cho biết TP.HCM có hơn 12 triệu người thường xuyên sinh sống, học tập, làm việc nhưng chỉ hơn sáu triệu người đăng ký thường trú, còn lại đăng ký tạm trú hoặc chưa đăng ký với cơ quan chức năng. TP yêu cầu thành lập tổ nghiên cứu về diện tích này do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng làm tổ trưởng, phối hợp với 24 quận/huyện và các sở, ngành để nghiên cứu tình hình thực tế nhằm đề xuất con số khả thi nhất.
|
CẨM TÚ