SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
1
6
4
8
3
3
Tin tức sự kiện 30 Tháng Năm 2017 8:30:00 SA

(TTTP) Lấn chiếm cống, rạch gây ngập cho TP.HCM

 

(PL)- Cơ quan chức năng chỉ ra hàng trăm vị trí trên các kênh rạch, tuyến cống, cửa xả bị lấn chiếm nhưng công tác xử lý quá chậm.


Sáng 29-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 5 và năm tháng đầu năm 2017.

Các vấn đề sát sườn với người dân như sốt đất ảo, ngập nước, dọn dẹp lòng lề đường, ống gang dẫn nước Trung Quốc… đã được mổ xẻ cùng các giải pháp khắc phục.

Liên quan đến ngập trong mùa mưa, Giám đốc Sở KH&ĐT Sử Ngọc Anh cho biết: TP có 67 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm và đã xử lý được bảy vị trí. Với 88 tuyến cống bị lấn chiếm, trung tâm chống ngập nỗ lực xóa được năm vị trí, số còn lại đang phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý. Trên địa bàn còn 51 vị trí cửa xả bị lấn chiếm.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập, cho biết thêm: Mùa mưa năm nay đến sớm, lượng mưa vượt trung bình hằng năm. Hiện có 22 tuyến đường ngập do mưa, nhiều tuyến ngập hai giờ.

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM tiếp nhận thêm sáu tuyến cống với tổng chiều dài gần 9 km, thay mới 612 cống bị xuống cấp, góp phần tăng năng lực thoát nước.


 

Lấn chiếm cống, rạch gây ngập cho TP.HCM - ảnh 1
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh: TÁ LÂM


Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa, ông Dũng cũng cho biết Sở GTVT vừa xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý tình trạng ngập như phân luồng giao thông, bố trí máy bơm, lực lượng trực ở các khu vực và các tuyến đường sẽ ngập để phối hợp với cổng thông tin giao thông TP cảnh báo cho người dân…

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa nhận định việc xử lý lấn chiếm hệ thống thoát nước chuyển biến quá chậm và đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp đề ra lộ trình thực hiện. “Không thể để kéo dài tình trạng lấn chiếm này vì nó là nguyên nhân gây ngập” - ông Khoa nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chất vấn tại sao hệ thống thoát nước vừa được đầu tư đưa vào sử dụng nhưng tuyến đường Đỗ Xuân Hợp vẫn bị ngập nặng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết hệ thống cống thoát nước được thi công theo quy hoạch của ngành giao thông. Cống chưa đạt quy mô và chưa đảm bảo khả năng thoát nước. “Mấy hôm nay mưa nhiều, thi công không được. Trung tâm đã có giải pháp. Chờ mấy hôm nữa bớt mưa trung tâm sẽ tập trung khắc phục, tình trạng ngập sẽ giảm” - ông Dũng nói.

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở KH&ĐT Sử Ngọc Anh cho biết trong năm tháng đầu năm, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng, trong đó đáng chú ý là tình hình đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục tăng. TP đã chi xây dựng cơ bản cho các công trình trọng điểm, cấp bách với tổng số vốn là 76.500 tỉ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền này chủ yếu dành cho các dự án cầu, đường, hệ thống thoát nước...

Về cơn sốt đất ảo vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho rằng đây là bài học sâu sắc cho TP là phải đảm bảo việc công khai, minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất.

Ông Khoa yêu cầu Sở QH-KT phải làm xong phần mềm để người dân sử dụng điện thoại thông minh tìm hiểu mọi thông tin về quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất ở mọi nơi. Từ đó hạn chế nguy cơ bị lừa, bị thổi giá khi giao dịch nhà, đất.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: Trong năm tháng đầu năm, kinh tế TP tiếp tục giữ đà tăng trưởng nhưng các sở, ngành cần phân tích để tìm giải pháp thúc đẩy các ngành kinh tế cụ thể. Đặc biệt, các ban, ngành tập trung xử lý hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại.

Về trật tự đô thị, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP quyết tâm chấn chỉnh trật tự lòng lề đường trên tinh thần kiên trì, đeo bám quyết liệt với những giải pháp phù hợp cụ thể cho từng địa phương, đơn vị và mang tính chất đồng bộ.


Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thị sát đường ngập nặng nhất TP.HCM

Chiều 29-5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đi kiểm tra thực tế đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) để cùng các ngành chức năng tìm giải pháp chống ngập. Đây là một trong những tuyến đường ngập nặng nhất tại TP.HCM hiện nay.

Ngay khi vừa đến địa điểm, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã được ông Nguyễn Văn Dũng, cư dân ngụ hẻm 113 đường Võ Duy Ninh (giao với đường Nguyễn Hữu Cảnh), đích thân dẫn vào trong hẻm để chứng kiến đường bị lún nặng và thường xuyên ngập mỗi khi mưa lớn. Tại đây, ông Dũng nói với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân rằng khu vực này cứ mưa lớn là ngập. Khi đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập, nước không thoát kịp sẽ tràn vào trong hẻm đường Nguyễn Duy Ninh gây ngập. Một năm đường này ngập khoảng 10 lần. Cơn mưa lớn năm 2016 khiến nơi đây bị ngập hai ngày nước mới rút hết.

Ông Nguyễn Thiện Nhân quay sang hỏi Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Nguyễn Ngọc Công: “Tối đa đường Nguyễn Hữu Cảnh có lúc nào ngập hai ngày nước mới rút không?”.

Ông Nguyễn Ngọc Công thừa nhận trong cơn mưa lịch sử ngày 26-9-2016, lượng nước đo được là trên 200 mm. Do địa hình tại khu vực tạo ra trũng cục bộ nên nước không thoát được. Cơn mưa này khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập sáu giờ liền, mặc dù đơn vị đã cho người bơm hỗ trợ.

Sau đó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đi thực tế dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư. Dự án này có vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

TÁ LÂM

Sẽ kiểm tra chất lượng ống gang Trung Quốc

Liên quan đến việc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn Sawaco sử dụng ống gang có xuất xứ Trung Quốc, trong buổi họp báo trưa 29-5, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT, giải thích: Từ năm 2000 đến nay, hệ thống đường ống cấp nước của TP có sử dụng 53% ống gang xuất xứ từ Trung Quốc (trong tổng số lượng ống gang). “Việc sử dụng ống gang này phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, không ảnh hưởng đến chất lượng nước thì mới được phép sử dụng. Chất lượng nước hiện đã được Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với ngành nước kiểm tra định kỳ và đạt yêu cầu của Bộ Y tế”.

Liên quan đến vấn đề này, chánh Văn phòng UBND TP thông tin thêm: TP đã giao các Sở KH&CN, GTVT và Sawaco kiểm tra lại quá trình tổ chức, đấu thầu và so với thực tế xem có chênh lệch gì hay không. Sawaco đã có báo cáo và TP sẽ tiếp tục xem xét. Chánh văn phòng cũng lưu ý việc lựa chọn hàng hóa của đơn vị nào cũng phải trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, bảo hành, bảo trì và giá cả phù hợp để tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.

VIỆT HOA

____________________________

40 tỉ USD là tổng vốn đầu tư cho bảy chương trình đột phá của TP.

TÁ LÂM

Số lượt người xem: 1380    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm