(PL)- “Chúng ta phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp để tình trạng vỉa hè bị tái chiếm hoặc những cán bộ có vi phạm trong quá trình thực thi công vụ.
Phải phân tích rõ được nguyên nhân tại sao để vỉa hè bị tái chiếm, nếu không đảm bảo được thì tôi vẫn giữ quan điểm như trước đây đã nói là mời người đứng đầu địa phương làm việc khác. Chúng ta phải mạnh dạn điều chuyển công tác thì mới có sự chuyển biến được”.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã nhấn mạnh như trên tại buổi làm việc với 24 quận, huyện và các sở, ngành về trật tự vỉa hè, lòng lề đường vào ngày 24-5.
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM, cho biết: “Sau các đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, có 85 tuyến có chuyển biến tốt, 86 tuyến có chuyển biến và 15 tuyến là ít chuyển biến trong 186 tuyến đường trọng điểm của 24 quận, huyện”.
Phó Ban ATGT TP cũng thừa nhận hiện nay còn tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường và nhiều vỉa hè sau đợt ra quân đã bị tái chiếm. Nhiều nơi có bảng cấm dừng/đậu xe nhưng chưa được xử lý nghiêm như tại các siêu thị, trung tâm tiệc cưới, nhà hàng, trường học, bệnh viện. Nhiều tuyến đường dù trước đó các địa phương đã ra quân khá mạnh nhưng đến nay vẫn bị chiếm để mở quán nhậu như đường Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng…
Liên quan đến việc vỉa hè bị tái chiếm, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, nhìn nhận đúng là vẫn có tình trạng này, quận 1 cũng không ngoại lệ. Để xảy ra vụ việc, một phó chủ tịch phường đã bị kiểm điểm.
Tuy nhiên, ông Thuận cũng cho hay quận 1 không chỉ chú trọng đến những giải pháp lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường mà còn tìm cách để tổ chức lại vỉa hè.
“Đầu tháng 6, chúng tôi sẽ chính thức tổ chức cho người buôn bán hàng rong tại đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp” - ông Thuận tiết lộ. Ngoài ra, quận 1 cũng ký 21 văn bản gửi các quận, huyện về việc 500 người buôn bán hàng rong của các quận, huyện khác đang hành nghề trên địa bàn quận để các địa phương này cùng phối hợp với quận 1 giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Trước các vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng giải pháp của chính quyền phải hết sức căn cơ, nhìn rõ tường tận của vấn đề chứ chỉ áp dụng giải pháp hành chính thôi thì chưa đủ và cũng không chia sẻ được với cuộc sống của người dân.
“Mình cũng đi lên từ khó khăn nên cũng rất chia sẻ với người dân nhưng vỉa hè không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo” - ông Phong nói.
Nhận định tổ chức lại vỉa hè là việc đã làm từ lâu nhưng nếu không đeo bám quyết liệt thì sẽ đâu lại vào đấy, ông Phong chỉ đạo các địa phương phải đeo bám và quyết liệt chỉ đạo tới nơi tới chốn.
Không để mất uy tín với dân
Người đứng đầu TP cũng cho rằng phải khen thưởng kịp thời những người đã làm tốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Trong đó, có thể không xem xét công nhận khu phố văn hóa khi vỉa hè còn mất trật tự. Kiên quyết xử lý những tuyến đường đã kẻ vạch nhưng vẫn vi phạm, thực hiện nghiêm quản lý phương tiện thô sơ, các địa bàn giáp ranh chủ động phối hợp để khắc phục tình trạng dẹp quận này thì dồn sang quận khác…
“Đề nghị các đơn vị có liên quan chọn ra những điểm khó và nổi cộm chẳng hạn như tại các bệnh viện hoặc tại các điểm giáp ranh giữa các quận, huyện để tập trung làm mạnh và hiệu quả hơn. Nếu các địa phương quá khó khăn trong việc phối hợp xử lý thì TP cũng sẽ vào cuộc tiếp sức. Chúng ta đã nói là phải làm, nếu không sẽ mất uy tín với dân” - ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định.
|