Chia sẻ bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Anh Trí , ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tối 23/5 Ủy ban đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan tới vụ buộc tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư máu do hết hạn sử dụng. Số thuốc này được một công ty dược viện trợ có điều kiện, tức bệnh nhân đồng chi trả với mức 42 triệu đồng một năm.
"Trách nhiệm chủ yếu thuộc về Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP HCM do đã dự trù không sát thực tiễn, không tiên lượng được khả năng đồng chi trả của bệnh nhân", ông Trí cho biết.
Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP HCM cũng được cho là không kịp thời rà soát, kiểm tra kho thuốc của mình. Đây là loại thuốc đặc biệt, có hạn sử dụng ngắn, thủ tục nhập khẩu mất thời gian khiến khi thuốc về tới kho thì đã cận hạn dùng.
Dù vụ việc không gây hậu quả nghiêm trọng, ông Trí cũng nhìn nhận "đây là bài học sâu sắc" và đề nghị xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
|
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Võ Hải
|
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nhìn nhận trong sự việc này có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nguyên nhân khách quan từ Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP HCM đã lập kế hoạch không sát số bệnh nhân để xin tài trợ thuốc. Theo ông Lợi, khi viện lập kế hoạch xin tài trợ thì dự kiến thuốc dùng cho 200 bệnh nhân trong khi chỉ có 50 người đăng ký và thực tế chỉ 26 người bệnh đủ điều kiện sử dụng. Nhà tài trợ lại không cho phép điều chuyển thuốc và chấp nhận tiêu hủy. "Rất may thuốc này không ra ngoài do được quản lý chặt chẽ nên chỉ tiêu hủy thôi", ông Lợi bày tỏ.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính để nhập số thuốc quá rườm rà, kéo dài qua các khâu, tới 9 tháng mới có thể thông quan dẫn đến khi thuốc về tới cảng còn thời hạn sử dụng 10 tháng; về đến kho bệnh viện chỉ còn 8,5 tháng. Cho nên dùng đến 6 tháng mà vẫn còn 1/3 số thuốc tài trợ. Thuốc sắp hết hạn nhưng viện đã không nhanh chóng xin ý kiến các cơ quan chức năng xử lý, tiêu hủy.
"Thuốc được tài trợ, đối ứng không đáng kể, nhưng rõ ràng vẫn là vấn đề lãng phí", Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nhận xét.
Rút kinh nghiệm từ việc phải hủy 20.000 viên thuốc Tasigna, ông Nguyễn Anh Trí đề nghị các văn bản nhập thuốc viện trợ thì quy định về thời gian sử dụng thuốc chỉ cần 9 tháng trở lên, chứ không nhất thiết phải 12 tháng như hiện hành. Đồng thời, rút gọn thời gian làm thủ tục hành chính với những lô thuốc đặc trị bệnh hiểm nghèo.
13 tháng nhập 20.000 viên thuốc Tasigna được viện trợ
Theo kết luận Thanh tra TP HCM, kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đến ngày 31/12/2015 ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Đây là thuốc trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy được viện trợ từ nước ngoài.
Bệnh viện giải trình tháng 7/2013 nhận được thư tặng thuốc Tasigna từ nhà sản xuất, ngày 28/11/2013 bệnh viện có văn bản gửi Cục Quản lý Dược xin được tiếp nhận số thuốc viện trợ trên. Ngày 27/12 năm ấy bệnh viện có giấy phép lưu hành lô thuốc với hạn dùng 24 tháng. Ngày 30/12/2013 bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TP HCM xin chấp thuận được thực hiện chương trình thuốc. Sau khi Sở trình lên UBND, tháng 6/2014 bệnh viện nhận được phê duyệt tiếp nhận lô hàng viện trợ gồm 309 hộp thuốc Tasigna, hạn dùng đến tháng 5/2015.
Tuy nhiên lúc này Hải quan TP HCM không cho bệnh viện tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ do theo quy định hạn dùng còn lại kể từ ngày nhập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng. Bệnh viện và Sở Y tế TP HCM đã đề nghị hải quan xem xét, hỗ trợ, đến ngày 13/8/2014 bệnh viện nhập kho lô thuốc trên thì hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng. Tháng 8/2015, Sở Y tế có văn bản đồng ý cho bệnh viện tiêu hủy 19.997 viên thuốc Tasigna hết hạn.
Liên quan đến vụ việc, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM nhận lỗi đã không đánh giá đúng nhu cầu người bệnh khi lập kế hoạch xin tài trợ thuốc. Cục Quản lý Dược cho rằng đã cấp phép trong 21 ngày theo quy định. Hải quan bác trách nhiệm vì đã cho thông quan số thuốc chỉ một ngày sau khi mở tờ khai nhập khẩu. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM trả lời 3 tháng không nhận được hồ sơ xin phê duyệt nhập thuốc do bệnh viện gửi.