SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
1
6
3
1
6
1
Tin tức sự kiện 19 Tháng Năm 2017 8:05:00 SA

(TTTP) ‘Món quà’ của Thủ tướng: Dẹp lạm dụng thanh tra

 

(PL)- Có những cuộc thanh tra không chỉ kéo dài 1-2 ngày mà có khi vài tháng.

 

Ngày 17-5, khi phát biểu kết luận hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp (DN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cầm một chỉ thị và nói: “Hôm nay DN nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra một năm quá một lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này mang số 20 và được công bố ngay hôm nay”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về Chỉ thị 20 của Thủ tướng, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói: “Ngay trong hội nghị, tôi đã thay mặt cộng đồng DN để cảm ơn món quà này của Thủ tướng”.

Một năm tiếp 15 đoàn kiểm tra, thanh tra

. Phóng viên: Thưa ông, như Thủ tướng nói, các DN đã than phiền, kêu ca rất nhiều về tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan?

‘Món quà’ của Thủ tướng: Dẹp lạm dụng thanh tra  - ảnh 1

+ TS Vũ Tiến Lộc: Các khảo sát của VCCI cũng như nhiều kiến nghị cụ thể của DN trước hội nghị này đều cho thấy tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo là một vấn đề rất bức xúc. Nó làm triệt tiêu khả năng sáng tạo, động lực đầu tư, kinh doanh của DN.

Có những DN ở Hải Dương ngán ngẩm khi một năm phải đón tiếp tới 15 đoàn kiểm tra, thanh tra các loại. Hay như một khách sạn lớn ở TP.HCM từng than thở năm 2016 đã phải đón tới 13 đoàn thanh tra.

Điều đáng nói là những cuộc kiểm tra, thanh tra này lại diễn ra trong năm 2016 khi mà Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đã yêu cầu không được tranh tra, kiểm tra chồng chéo.

. Sau khi Chỉ thị 20 được triển khai trong thực tế, theo ông nó sẽ mang lại lợi ích gì và liệu DN có tiếp tục bị “hành” bởi thanh tra nữa hay không?

+ Chúng ta biết nội dung cốt lõi nhất của Chỉ thị 20 là không được kiểm tra, thanh tra DN quá một lần/năm. Điều đó cũng có nghĩa là các DN không phải tốn quá nhiều thời gian, công sức, nhân lực và chi phí khi phải đón tiếp các đoàn thanh tra. Họ sẽ chuyên tâm kinh doanh, tuân thủ pháp luật và tạo ra được nhiều việc làm, nhiều của cải hơn cho quốc gia cường thịnh.

Chắc anh cũng biết tình trạng khá phổ biến là khi có đoàn thanh tra, kiểm tra thì ít nhiều DN cũng phải tốn “phí bôi trơn”. Nếu không phải tốn các khoản “phí bôi trơn” này, DN có thể tập trung nguồn lực để đầu tư, sản xuất kinh doanh tốt hơn, phúc lợi cho người lao động cũng tốt hơn.

Thực tế Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực, cả về chính thức và không chính thức.

‘Món quà’ của Thủ tướng: Dẹp lạm dụng thanh tra  - ảnh 2
Từ nay không được để xảy ra tình trạng thanh tra chồng chéo, trùng lặp. Trong ảnh: Đội liên ngành Vĩnh Long kiểm tra tại một công ty vào tháng 4-2016. Ảnh: Báo Công an Vĩnh Long

Dẹp bỏ quy định phi thực tế

. Nhưng có ý kiến cho rằng thanh tra, kiểm tra là cần thiết để ngăn ngừa và phòng, chống những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới môi trường và giúp DN tuân thủ pháp luật tốt hơn?

+ Dĩ nhiên, đó là mục đích cuối cùng của thanh tra, kiểm tra. Nhưng hãy tưởng tượng xem: Mỗi cuộc thanh tra không phải chỉ kéo dài 1-2 ngày mà có khi vài tháng. Vậy thì DN còn tâm trí và thời gian đâu để sáng tạo, lao động, kinh doanh hiệu quả.

Thực tế ai cũng biết, có nhiều đoàn thanh tra trùng lặp. Chẳng hạn, một công ty giấy có trụ sở ở TP.HCM đã từng kêu rằng: Có ngày họ phải tiếp hai đoàn thanh tra cùng về môi trường. Điều đó có hợp lý không? Mục đích thanh tra, kiểm tra có đạt được không, hay những cuộc thanh tra, kiểm tra ấy nhằm một… mục đích khác?

. Vậy ông kỳ vọng gì vào Chỉ thị 20 của Thủ tướng?

+ Tôi mong rằng Chỉ thị 20 của Thủ tướng sẽ được tuân thủ triệt để trên cơ sở thượng tôn pháp luật mà Thủ tướng đã nói tại hội nghị ngày 17-5. Để đến hội nghị Thủ tướng gặp DN năm 2018, 500.000 DN sẽ không phải kiến nghị với Thủ tướng về vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng chéo.

. Nhưng có ý kiến cho rằng để chỉ thị này đi vào cuộc sống thì còn rất nhiều việc phải làm, thưa ông?

+ Đúng! Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta cần một khuôn khổ pháp luật theo các tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo rằng DN được an toàn, tài sản được bảo vệ trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Nếu vẫn còn tồn tại những quy định bất hợp lý như bắt buộc DN sản xuất mũ bảo hiểm, đóng tàu… phải có đầy đủ máy móc, thiết bị từ A đến Z thì chắc chắn đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những cuộc thanh tra, kiểm tra không đúng mục đích.

Như tôi đã phát biểu rằng: Với những quy định bất hợp lý như trên thì đến cả Boeing cũng bó tay, không thể sản xuất máy bay tại Việt Nam được.

. Tức là những quy định bất hợp lý, phi thực tế cần phải được bãi bỏ, thưa ông?

+ Đó là điều kiện tiên quyết. Mặt khác, như Thủ tướng lưu ý, nhận thức và thái độ của cán bộ, công chức thừa hành cũng phải thay đổi theo hướng phục vụ, tận tâm với DN. Chừng nào các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức thừa hành vẫn vận dụng pháp luật theo kiểu “giải thích chứ không giải quyết”, “ông nói gà, bà nói vịt”, “trên bảo dưới không nghe”, “hành là chính” thì tình trạng thanh tra chồng chéo, nhũng nhiễu DN vẫn không được triệt tiêu và rào cản không cho DN phát triển vẫn còn đó.

Và hệ quả là Chỉ thị 20 của Thủ tướng dù đã được ký sẽ không thể đi vào cuộc sống như mong muốn của một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ.

. Xin cám ơn ông.


Tìm cách bắt lỗi

Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân cho rằng trong các lĩnh vực mà DN thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, PCCC…, DN còn phải chi các khoản không chính thức.

“Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp. Nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất; một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ. Do đó, DN phải đi đêm, chung chi, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. Để dẹp tình trạng này rất cần sự chung tay và thực tâm từ hai phía là cơ quan nhà nước và DN” - ông Thân nói.

________________________

Tại Chỉ thị 20/CT-TTg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp; quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra, kiểm tra theo các dấu hiệu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

CHÂN LUẬN thực hiện

Số lượt người xem: 1472    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm