Việc đăng tải thông tin giúp người dân nắm rõ hiện trạng môi trường nơi mình đang sống
Chỉ cần ngồi ở nhà, bạn cũng có thể tiếp cận đến kho dữ liệu khổng lồ trên internet thông qua chiếc máy tính hoặc điện thoại, từ các thông tin y tế, sức khỏe, giao thông, môi trường… Sự bùng nổ của công nghệ thông tin ở thời đại mới đã trở nên gắn bó mật thiết hơn với đời sống con người.
Ứng dụng công nghệ thông tin
Tại buổi khai mạc Hội chợ Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông TP.HCM lần 1 năm 2017 do UBND TP.HCM tổ chức, Sở TT&TT TP.HCM chủ trì vừa diễn ra tuần qua, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố (TP) mong muốn đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, giới thiệu đề án xây dựng TP.HCM trở thành TP thông minh… Hiện TP đã chỉ đạo đề án này và đang chờ ý kiến của hội đồng tư vấn. Được biết, mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, quản lý đô thị hiệu quả. Các lĩnh vực được tập trung thực hiện là giao thông, an ninh, y tế, du lịch và môi trường. Qua việc thực thi đề án này, người dân được phục vụ tốt, tiếp cận thông tin về môi trường hàng ngày, đảm bảo đời sống an sinh xã hội đầy đủ hơn. Đặc biệt, đề án giúp chính quyền TP vận hành linh hoạt hơn.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình vận hành, Sở TN&MT TP.HCM đang từng bước nỗ lực nhằm góp phần hoàn chỉnh đề án xây dựng TP thông minh.
Năm 2016, Sở kết hợp với Sở TT&TT TP.HCM thí điểm hệ thống phần mềm Một cửa điện tử quản lý đất đai theo mô hình tập trung trên toàn TP. Hệ thống này hướng tới sự minh bạch, một cửa trong giải quyết hồ sơ nhà đất. Phần mềm nhằm thực hiện tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ đất đai theo quy trình thống nhất, liên thông ba cấp chính quyền (phường – xã, quận – huyện, TP), đảm bảo quản lý, giám sát chặt chẽ thông tin về tình trạng, tiến độ xử lý hồ sơ đất đai. Thông qua website http://motcuadatdai.tphmc.gov.vn, người dân có thể sử dụng mã hồ sơ để tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ, cần bổ sung giấy tờ gì.
Thông tin rộng rãi đến cộng đồng
Cùng nằm trong chương trình xây dựng TP.HCM trở thành TP thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành, mới đây, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn trực thuộc Sở GT&VT TP.HCM đã ký kết Quy chế phối hợp về cung cấp thông tin kết quả quan trắc môi trường lên bảng thông tin giao thông điện tử. Chương trình nhằm cung cấp thông tin về chất lượng môi trường (không khí, nước sông, kênh rạch) đến cộng đồng một cách nhanh chóng, góp phần đẩy mạnh hiệu quả bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu cột mốc trong công tác bảo vệ môi trường, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận, nắm rõ hiện trạng môi trường TP. Việc cung cấp thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường đến cộng đồng dân cư nhanh chóng, kịp thời là việc làm hết sức cần thiết.
Được biết, trên các bảng thông tin điện tử, bạn có thể thấy năm thông số đối với chất lượng môi trường không khí của khu vực cụ thể, bao gồm NO2, CO, bụi tổng, bụi PM10 và tiếng ồn; bốn thông số đối với chất lượng môi trường nước gồm pH, DO, BOD5, COD. Hàng tháng, hàng năm, Sở TN&MT TP đều công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường. Vì vậy, khi các chỉ số này được đăng tải rộng rãi thì nhận thức của người dân trong việc xây dựng TP hiện đại, thông minh, sạch đẹp trở nên rõ ràng hơn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một người dân ở Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ: “Mỗi sáng đi làm ngang qua trục đường Quang Trung tôi rất ngạc nhiên khi thông tin trên bảng điện tử có các chỉ số môi trường. Tôi hiểu rằng TP mong đợi người dân không chỉ theo dõi mà cùng đoàn kết, chung tay hành động. Tôi mong muốn chính quyền TP tuyên truyền nhiều nữa để người dân có thể biết được NO2, CO, DO… là gì, mức an toàn là bao nhiêu, tác hại đến sức khỏe thế nào. Nên chăng kết hợp với chỉ số là thể hiện thêm màu sắc cảnh báo. Tôi nghĩ thời gian chạy xe lướt qua bảng thông tin là rất ngắn nên nếu có màu sắc đi kèm thì người dân có thể ghi nhận thông tin nhanh chóng và dễ nhớ hơn”. |