Theo tổng hợp từ một số địa phương thì phần lớn nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ đất đai. Ngoài ra, có một số khiếu nại liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội, kỷ luật của cán bộ, công chức... Về nội dung tố cáo, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức làm sai chính sách trong quản lý đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội… Nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay thì có nhiều nhưng chủ yếu là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những bất cập, chưa phù hợp thực tế, quá trình thực hiện thu hồi đất của người dân chưa đúng trình tự, thủ tục, thiếu công khai, minh bạch, trong nhân dân.


 

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đang tiếp chuyện với một số công dân có đơn khiếu nại tại TP.HCM. 
 

 

Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo tại cơ sở thì thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương án giải quyết thiếu thuyết phục vì vậy gây ra những bức xúc trong nhân dân dẫn đến người dân thực hiện khiếu nại, tố cáo và tiếp khiếu đến nhiều nơi. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc chưa tốt, còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất. Việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quan tâm thực hiện đúng mức nên có những vụ việc đơn giản vẫn phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Bên cạnh đó, một số thành phần lợi dụng khe hở của cơ chế chính sách, kích động những người đi khiếu nại, tố cáo; tổ chức, lôi kéo khiếu kiện đông người, biến các vụ việc khiếu nại đơn giản trở nên phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

 

Từ thực trạng trên, nhận định tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội ở một số địa phương nhất là những nơi có dự án diễn ra. Để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:

 

Một là, cấp Đảng ủy, Chính quyền cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính theo mô hình "một cửa liên thông" giữa cấp xã với cấp huyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc giao dịch với chính quyền địa phương. Đảm bảo thực sự gắn công tác tiếp dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo và cải cách hành chính, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

 

Ba là, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải quan tâm đúng mức công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để tồn đọng đơn, thư khiếu nại của nhân dân, xem đây là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình công tác của cơ quan, đơn vị. Kiên quyết không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.

 

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng người dân theo hình thức lồng ghép với các chương trình khác, phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng, có nhiều nội dung phong phú, thiết thực để thu hút được nhiều người nghe.

 

Năm là, quan tâm hơn nữa đến chế độ đãi ngộ, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đối với cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở các cấp, đồng thời tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo vùng, miền để trao đổi học tập lẫn nhau từ đó nhân ra diện rộng.

 

Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ góp phần kéo giảm tình hình khiếu kiện tại cơ sở từ đó giảm khiếu kiện đông người vượt cấp đảm bảo trật tự an ninh ở địa phương, tăng cường phát triển kinh tế.

Đình Thuyết