Sướng khổ từ dự án "trâu nằm"
Theo quy hoạch phát triển TP HCM, quận Bình Tân sẽ chủ yếu phát triển các khu công nghiệp, dự án nhà ở cao tầng. Tuy nhiên, tại quận này, nhiều dự án được quy hoạch là cụm công nghiệp, dự án khu dân cư mới đang chậm triển khai.
Đơn cử, người dân tại đường liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hòa B cho biết, hơn 10 năm trước, quận có quy hoạch giải tỏa một khu đất hơn 40 ha tại cuối đường này để làm cụm khu công nghiệp. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được thực hiện. Diện tích đất để cỏ mọc um tùm, con đường vào khu đất cũng bị người dân xây nhà bịt kín. Nhiều hộ dân đã mua trâu, bò về chăn thả để tránh lãng phí.
Sinh sống tại đây, anh Hoàng Văn Cương cho biết, gia đình anh hiện đang chăn thả hơn 20 con trâu tại khu đất bỏ hoang này. Mỗi năm, gia đình anh thu lời từ 200 triệu đồng đến gần 400 triệu đồng. Không chỉ gia đình anh Cương, gần 10 hộ dân khác tại đây cũng chăn thả trâu bò.
Anh Cương cho biết: "Nhờ dự án bỏ hoang này mà dân ở đây sống khỏe, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu nhờ chăn trâu, bò".
Ngoài khu đất trên, cũng thuộc phường Bình Hưng Hòa B, còn có một bãi đất trống rộng khoảng 50 ha ngay tại khu đô thị mới Vĩnh Lộc. Đây là khu đất làm dự án công viên và chung cư cao tầng nhưng gần 5 năm nay vẫn chưa được xây dựng. Khu đất này giờ đã biến thành bãi chăn thả trâu bò của người dân.
Người dân chăn thả trâu bò trên khu đất bỏ hoang
Cách đây hơn 10 năm, tại đường số 6 của phường phường Bình Hưng Hòa B còn có một dự án công viên rộng hàng chục ha. Dự án đến nay đã bị xóa sổ và cũng không dự án nào thay thế. Do đó, khu đất này biến thành bãi cỏ mọc um tùm, bao vây toàn khu dân cư.
Ông Lê Quang Cảnh, người dân sống cạnh dự án này cho biết: "Mùa nắng thì cỏ mọc um tùm, mùa mưa thì nước ngập, người dân đổ rác sinh hoạt ra đây, gây ruồi, muỗi. Dân ở đây khổ với bãi đất trống cỏ mọc um tùm này lắm".
Cùng tình trạng đó, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cũng là điểm nóng của những dự án "trâu nằm". Tại ấp 5, dự án khu nhà ở của Công ty Xây dựng Bình Minh xuất hiện cách đây gần 15 năm. Tuy nhiên, vì chủ đầu tư không thực hiện, nên mỗi khi trời mưa, nước trong nhà lại ngập tới đầu gối. Dù nhà đã xuống cấp nhưng người dân không được xây sửa do đất nằm trong dự án.
Bà Nguyễn Thị Bé, người dân sống tại đây cho biết: "Thấy cỏ mọc tươi tốt, nhiều người dân mua trâu bò về chăn thả, có nhà còn trồng cả rau tại đây. Vì chưa biết bao giờ dự án mới được thực hiện, nên người dân ở đây phải tận dụng cho đỡ phí".
Cũng tại huyện Bình Chánh, một dự án "trâu nằm" khác là dự án khu dân cư Hạnh Phúc rộng hơn 41 ha, nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh.
Hiện, dự án hiện mới bồi thường được 40% tương đương với diện tích 7,7 ha. Trên diện tích đã bồi thường xong, chủ đầu tư xây một block chung cư, nhưng ngưng lại khi xây đến lầu 7. Khu này giờ cũng đã biến thành nơi chăn thả trâu bò của người dân.
Tại khu vực quận 9, một dự án "trâu nằm" là Khu biệt thự sinh thái xã Phong Phú của Công ty TNHH Dịch vụ Triển Phong với diện tích 380.000m2. Dự án được UBND TP HCM chấp thuận địa điểm đầu tư vào năm 2009. Nhưng đến năm 2013, do tỷ lệ bồi thường đạt thấp, dưới 50% nên Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM yêu cầu chấm dứt dự án. Hiện, dự án cũng đang trong cảnh cỏ mọc um tùm.
Đâu là nguyên nhân
Trao đổi với Đầu tư BĐS về nguyên nhân thành phố còn quá nhiều dự án bị bỏ hoang, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho hay, nguyên nhân là do hệ thống pháp lý cho thị trường BĐS thiếu tính đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo.
Ông Tuấn cho biết: "Tôi thấy, thị trường BĐS TP HCM 10 năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Thị trường phát triển thiếu tính ổn định và minh bạch. Khi thì sốt, cung vượt cầu, sản phẩm chưa phù hợp nhu cầu, khi thì trầm lắng, thậm chí đóng băng. Nhiều dự án bị thu hồi vì chủ đầu tư chậm triển khai, nhưng khi thu hồi lại không tìm được nhà đầu tư mới và kết quả là dự án bị bỏ hoang".
Chủ nhiệm Đề án Phát triển thị trường BĐS TP HCM giai đoạn 2016-2020, TS. Nguyễn Thái Sơn cho biết, nếu thành phố có 85 dự án bị thu hồi vào cuối năm 2013, thì đến tháng 7/2014 con số này đã lên tới 162 và tới tháng 8/2015 là 189 dự án. Con số này cho thấy hệ quả của công tác quản lý phức tạp và tiến trình thực hiện dự án kéo dài.
Ông Sơn nói: "Đáng chú ý là hầu như những dự án bị thu hồi này đều có quy mô lớn với diện tích trung bình lên tới 13,5 ha mỗi dự án. Trong đó, có những dự án có thể lên tới trên 50 ha. Những dự án này cần vốn đầu tư lớn, chủ đầu tư có năng lực và kinh nghiệm chuyên môn tốt trong việc phát triển dự án với nhiều phân kỳ phát triển hợp lý.
Một hiện tượng đáng lưu ý khác là có những nhà đầu tư không có năng lực nhưng vẫn tìm cách có được dự án, giữ đất để sang tay thu lợi nhuận. Nhưng khi thị trường trầm lắng, dự án không thể chuyển giao và cũng không thể triển khai nên rơi vào tình trạng bị bỏ hoang".
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó chánh văn phòng quận Bình Tân cho biết, những dự án phóng viên nhắc tới tại phường Bình Hưng Hòa B có thể thuộc địa phận huyện Bình Chánh. Quận Bình Tân mới đây cũng đã có văn bản trình UBND TP HCM về những dự án chậm tiến độ, đồng thời, rà soát để thu hồi và đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Tuy nhiên, trước thông tin này, phóng viên đã tiếp tục xuống phường Bình Hưng Hòa để xem quy hoạch và hỏi lại người dân. Câu trả lời thu được là toàn bộ những dự án này đều thuộc địa bàn quận Bình Tân, chứ không phải huyện Bình Chánh.
Báo cáo mới được công bố của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho thấy, huyện Bình Chánh hiện là một trong những địa phương có nhiều dự án "treo" nhất tại thành phố. Đa phần các dự án này đều thuộc khu Nam. Trong đó, 4 xã của huyện có nhiều dự án bỏ hoang nhất gồm Bình Hưng, An Phú Tây, Phong Phú và Hưng Long.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, vấn đề quy hoạch của dự án vẫn giữ nguyên còn cơ quan này chỉ thu hồi chủ trương đầu tư dự án. Do đó, vì chưa có chủ đầu tư mới nên nhiều dự án tiếp tục bỏ hoang.