Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: vietnamnet.vn
Tuy nhiên, vài năm lại đây, nhiều người giật mình khi Đà Nẵng có nhiều sai phạm liên quan đến đất đai, xây dựng làm thất thu ngân sách 3.434 tỷ đồng, trong đó chưa thể thu hồi hơn 2.300 tỷ đồng. Đây là kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào năm 2012 khi tiến hành thanh tra trách nhiệm lãnh đạo Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và một số dự án liên quan đến quản lý, sử dụng đất.
Kết luận thanh tra chỉ rõ: UBND TP Đà Nẵng đã giao đất cho một số dự án không qua đấu giá, có nhiều sai phạm trong quản lý quỹ đất, chuyển quyền sử dụng đất dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không triển khai mà lại chuyển đổi cho đối tượng khác thu chênh lệch kếch xù. Có những vụ chuyển nhượng gây thất thu ngân sách cả trăm tỉ đồng như Công ty TNHH Phúc Thiên Long, bà Phạm Thị Đông…
Nhìn lại quá trình thực hiện kết luận thanh tra: Năm 2012, TTCP ban hành kết luận thanh tra nhưng Đà Nẵng đã không nghiêm túc thực hiện nên năm 2015, TTCP có văn bản báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng có văn bản chỉ đạo yêu cầu Đà Nẵng nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo Thủ tướng vào tháng 5/2016.
Dường như Đà Nẵng vẫn “bỏ ngoài tai”, phải mãi đến 30/3/2017 mới có báo cáo về việc thực hiện kết luận, đồng thời nêu lý do chậm thực hiện là doanh nghiệp, chủ dự án kêu khó khăn nên đề xuất không thu thêm tiền sử dụng đất… Đáp lại, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Đà Nẵng phải nghiêm túc thực hiện kết luận của TTCP.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Vụ Giám sát Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (TTCP) đã thường xuyên theo dõi, bám sát trong việc Đà Nẵng xử lý, khắc phục hậu quả. Có điều, cho đến thời điểm này, Đà Nẵng vẫn tiếp tục chây ì.
Theo đánh giá nhận xét của nhiều cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cả người dân, Đà Nẵng là thành phố năng động, có môi trường sống lành mạnh, là kết quả của toàn dân. Tuy nhiên, khoản tiền thất thoát hàng nghìn tỷ đồng đã “chảy” vào túi một số cá nhân, tập thể mà ta vẫn quen gọi là lợi ích nhóm ở Đà Nẵng, nếu được thu về đầy đủ, đồng nghĩa với việc Đà Nẵng có thêm phần ngân sách để tái đầu tư cho diện mạo thành phố hiện đại hơn.
Ở khía cạnh khác, sự năng động táo bạo quyết đoán của lãnh đạo Đà Nẵng ở giai đoạn được thanh tra cũng cần xem xét lại từ nhiều góc độ đa chiều. Việc lãnh đạo giao đất đẹp cho nhiều chủ dự án không thông qua đấu thầu là cố ý làm trái các quy định về Luật Đất đai và đầu tư xây dựng. Sai phạm chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp được giao đất nhưng lại không thực hiện dự án mà đem bán đi để kiếm lời cả trăm tỉ đồng, thế nhưng vẫn không bị xử lý sai phạm đúng mực. Rõ ràng, có điều gì đó không bình thường! Nếu chúng ta không quy trách nhiệm cho người đứng đầu, thì mọi giải pháp chống tham nhũng vẫn chưa đi đến hồi kết. Mặt khác, quản lý đất đai kiểu ấy thì không thể đánh giá cán bộ Đà Nẵng là năng động được.
Chây ì thực hiện kết luận thanh tra ở Đà Nẵng là bài học lớn cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trước hết là bài học ngăn chặn từ xa dấu hiệu của lợi ích nhóm. Nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật ở mọi lĩnh vực. Truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu đối với các sai phạm có liên quan; không nể nang, không xem sai phạm là việc đã rồi mà những người lãnh đạo kế nhiệm phải kiên quyết xử lý, truy thu các nguồn tiền bị thất thoát… Nếu thế hệ lãnh đạo Đà Nẵng hiện tại thực hiện được những nhiệm vụ trên thì Đà Nẵng có thêm một môi trường địa - chính trị hấp dẫn đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.