Đoàn thanh tra gồm 5 thành viên do ông Lê Quang Tiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ I) - TTCP, làm trưởng đoàn. Hoạt động của đoàn thanh tra được giám sát bởi tổ giám sát thuộc Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra của TTCP do ông Hoàng Đức Quỳnh, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ 1, làm tổ trưởng. Tại buổi công bố quyết định thanh tra, ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ I, đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các đơn vị được thanh tra phối hợp để đoàn thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chỉ đạo Công ty CP Cảng Quy Nhơn, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và các cục, vụ, đơn vị tham mưu của bộ liên quan tới hoạt động thanh tra phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hồ sơ tài liệu cho đoàn thanh tra theo quy định.
Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976 do Cục Đường biển - Bộ GTVT quản lý. Đến năm 1993, Bộ GTVT quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước cảng Quy Nhơn. Năm 2009, cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Tháng 7-2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn.
Ngoài hạ tầng cơ sở và diện tích đất bạt ngàn, cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng. Theo nhiều chuyên gia về cảng biển, mức đầu tư xây dựng cho riêng cầu tàu này phải hơn 1.000 tỉ đồng. Cảng Quy Nhơn cũng sở hữu 165 phương tiện, thiết bị trị giá hàng trăm tỉ đồng, trong đó riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên thị trường khoảng 150 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trước khi cổ phần hóa, cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỉ đồng mặc dù thời điểm đó cảng có lượng tiền mặt gần 53 tỉ đồng và chỉ nợ ngắn hạn hơn 100 tỉ đồng. Nhiều tài sản, thiết bị của cảng Quy Nhơn được định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Điển hình như hàng chục cần cẩu, xe cẩu, xe nâng, tàu lai chuyên dụng trị giá hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ được định giá... hơn 1,9 tỉ đồng.
Cảng Quy Nhơn chỉ được định giá 404 tỉ đồng Ảnh: BÌNH ĐỊNH
Tháng 9-2013, cảng Quy Nhơn tổ chức bán đấu giá thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do, tương đương 4,04 triệu cổ phần với mức giá bình quân 12.792 đồng/cổ phần. Ngoài ra, cảng Quy Nhơn cũng bán 4,04 triệu cổ phần khác cho “nhà đầu tư chiến lược” là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Công ty Hợp Thành) có trụ sở ở Hà Nội.
Đáng chú ý, vào tháng 6-2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu cổ phần, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành. Ba tháng sau, Vinalines tiếp tục bán toàn bộ phần vốn còn lại trong cảng Quy Nhơn (19,8 triệu cổ phần với tỉ lệ 49%) cho Công ty Hợp Thành và giúp doanh nghiệp này tăng tỉ lệ nắm giữ cảng Quy Nhơn lên 86,23% với tổng trị giá chỉ 440 tỉ đồng. Trước khi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty Hợp Thành trong đợt 2 và đợt 3, giữa năm 2015, lãnh đạo cảng Quy Nhơn có văn bản gửi Vinalines và Bộ GTVT đề nghị giữ lại 51% phần vốn nhà nước nhưng không được xem xét.
Liên quan tới việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo đoàn công tác của TTCP trong những ngày tới vào Bình Định để thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Kết quả thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-7.
Nguyễn Quyết