Hồi cuối tháng 2 vừa qua, một số báo điện tử đã đăng ý kiến phát biểu của ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC tại buổi tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 22/2/2017 tại Tp.Hồ Chí Minh rằng: “xin giấy phép xuất khẩu gạo rất tốn kém”, “mỗi lần đi xin giấy phép xuất khẩu gạo, tốn ít nhất mấy chục ngàn đô" và "thực sự, mỗi lần không dưới 20.000 USD"”…Bộ Công Thương cho biết, cùng lúc các đơn vị liên quan trong Bộ giải trình, đoàn xác minh do Thanh tra Bộ chủ trì đã tiến hành xác minh, kiểm tra tại Công ty ADC (số 93 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh).
Theo thông tin do Bộ Công Thương cung cấp, Tổng giám đốc Ngô Văn Nam đã khẳng định: ông có phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm chiều 22/2 nhưng báo chí đã phản ánh không chính xác ý kiến của ông; Công ty ADC chưa bao giờ gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo tới Bộ Công Thương; chưa khi nào làm việc với bất kỳ đơn vị, cá nhân nào tại Bộ và cũng chưa bao giờ đưa tiền cho bất kỳ ai để xin cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo.
Lấy làm tiếc về phát ngôn gây ra sự hiểu lầm và làm ảnh hưởng đến Bộ Công Thương, ông Ngô Văn Nam khẳng định đã, đang trao đổi lại với một số cơ quan báo chí để đề nghị làm rõ lại các nội dung báo đăng và sẽ có trách nhiệm giải thích với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan báo chí về việc đăng tải thông tin không đúng thực tế.
Năm 2017, thương mại gạo được dự báo sẽ tăng lên do nhu cầu cao từ châu Á và Trung Đông. Ấn Độ dự kiến sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới; xuất khẩu của Thái Lan sẽ hồi phục trong khi Việt Nam cũng được dự báo tăng. Ảnh: Internet
Kết quả rà soát tại Bộ Công Thương cho thấy, không có hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như bất kỳ yêu cầu nào về kinh doanh xuất khẩu gạo của Công ty TNHH ADC; công ty này cũng chưa bao giờ tiếp xúc, liên hệ, trao đổi với các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo.
Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo với các tiêu chí cụ thể, có thể định lượng được và đặc biệt, việc kiểm tra, xác nhận các điều kiện này đã được phân cấp rõ ràng.
Theo đó, Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận cho thương nhân có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Việc kiểm tra và xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát do Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát trên địa bàn trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị bằng văn bản của thương nhân và các giấy tờ, tài liệu liên quan.
Như vậy, nếu địa phương đã xác nhận là đủ điều kiện thì Bộ Công Thương không có quyền từ chối cấp phép cho doanh nghiệp.
Bên cạnh những mặt tích cực, Nghị định này cũng đang bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương dự thảo phương án sửa đổi Nghị định 109/2010.
Ngô Tân