Qua nghiên cứu về tham nhũng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cho thấy tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước và các quyền lực công khác. Tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ với những mức độ khác nhau. Khi nhà nước và quyền lực chính trị còn tồn tại thì còn có điều kiện để xảy ra tham nhũng.

Nhận thức như vậy không đồng nghĩa với việc coi tham nhũng trong bộ máy nhà nước là điều đương nhiên phải chấp nhận mà để chúng ta có ý thức rõ ràng về nguy cơ tiềm tàng của nó, đồng thời có các giải pháp “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi” tệ nạn này. Cùng với sự phát triển của các hình thái nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ chính trị - kinh tế tạo ra những tiền đề khách quan quan trọng làm cho tham nhũng phát triển. Lợi ích là yếu tố chủ quan dẫn đến tham nhũng. Khi còn điều kiện để lợi ích kết hợp với sự lạm quyền của những người có chức vụ, quyền hạn thì vẫn còn có khả năng xảy ra tham nhũng.

Tham nhũng đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; làm thúc đẩy quá trình phân hoá giàu nghèo; làm thay đổi cả chính sách, pháp luật; làm tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; làm thay đổi những chuẩn mực đạo đức xã hội, làm vẩn đục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước; làm suy giảm uy tín quốc gia trong các quan hệ hợp tác phát triển.

Trong khuôn khổ đóng góp Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), tác giả bài viết tham gia ý kiến vào hai nội dung đó là: Sửa đổi, bổ sung khái niệm và chủ thể của tham nhũng để góp phần hoàn thiện các quy định về phát hiện và xử lý tham nhũng hiện hành. Cụ thể đó như sau:

Cần sửa đổi, bổ sung khái niệm tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, cụ thể như sau: Tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Với khái niệm như trên sẽ giúp bổ sung quy định về hành vi tham nhũng ở khu vực tư (khu vực ngoài nhà nước). Trên thực tế, trong khu vực tư cũng có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của tập thể, cá nhân và các hành vi đó hiện nay khá phổ biến. Không ít người ở khu vực tư đã giàu lên nhanh chóng nhờ có quyền lực về kinh tế, trong khi đó, những người lao động dưới quyền lại khó khăn về kinh tế, dẫn đến phân cực giàu nghèo sâu sắc và thiếu công bằng xã hội. Mặt khác, trong một số trường hợp, các hành vi diễn ra trong khu vực tư là nguồn gốc, là điều kiện của tham nhũng trong khu vực công. Do đó, việc quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực tư sẽ bảo đảm cho nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng được toàn diện hơn.

Về chủ thể: Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 01/6/2006 quy định “người có chức vụ, quyền hạn”, bao gồm cả “người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Nhưng trên thực tế, có những người mặc dù không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ vẫn là đối tượng cần được nghiên cứu có phải là chủ thể của tham nhũng hay không, chẳng hạn như: Người lợi dụng sự ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để thu lợi cá nhân; người tiếp tay, giúp sức người có chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi tham nhũng. Do đó, vẫn cần phải nghiên cứu quy định thêm chủ thể của tham nhũng trong các trường hợp trên.

Bên cạnh đó, việc quy định chủ thể tham nhũng là người được giao thực hiện nhiệm vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó còn có nhiều cách hiểu khác nhau, bởi theo quy định này thì không rõ nhiệm vụ được nêu là nhiệm vụ ở trong khu vực công hay ở khu vực tư. Nếu bao gồm cả khu vực tư thì người được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm soát nguồn vốn, tài sản, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tập thể (chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát của doanh nghiệp; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát hợp tác xã) đã lợi dụng nhiệm vụ của mình để vụ lợi cũng được coi là chủ thể của tham nhũng.

Vì vậy, cần quy định cụ thể người được giao công vụ, nhiệm vụ là người:

Thứ nhất, được những người có chức vụ, quyền hạn giao nhiệm vụ;

Thứ hai, được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm soát nguồn vốn, tài sản, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tập thể.

Trên đây là ý kiến sửa đổi, bổ sung khái niệm và chủ thể của tham nhũng để góp phần hoàn thiện các quy định về phát hiện và xử lý tham nhũng hiện hành./.

 Ths. Lê Quang Kiệm

 

                                                                      Thanh tra tỉnh Đồng Nai