Ở các nước, việc quản lý sử dụng tài sản công, trong đó có xe công, đã có khá nhiều văn bản luật và kinh nghiệm quản lý lẫn chế tài xử lý. Hầu hết các nước, ngoài xe cho công tác lễ tân ngoại giao, xe công cũng bao gồm một số xe đặc biệt dành cho một số chức danh lãnh đạo chủ chốt nhà nước (nặng về bảo vệ, đãi ngộ) và phần lớn xe dành cho phục vụ công tác chung.
Xe dành phục vụ công tác chung thì không có chuyện đưa đón từ nhà riêng đến cơ quan làm việc hay ngược lại, và ngay cả khi đi công tác, chỉ dùng xe công khi không có phương tiện giao thông công cộng nối kết. Tất cả đều được đưa vào các quy định hết sức chi tiết dễ hiểu, để công chức thực thi dễ dàng và người dân có thể giám sát, phản ánh góp ý.
Theo tôi, dự thảo quyết định thay thế QĐ 32/2015/QĐ-TTg của Bộ Tài chính, có cái mới là giảm bớt tiêu chuẩn định mức sử dụng và đưa vào các phương án khoán xe công. So với QĐ 32/2015/QĐ-TTg, thì có nhiều điểm hay hơn về mặt tiết kiệm ngân sách, mỗi năm tính ra trên 3.000 tỉ đồng, là rất đáng hoan nghênh. Nhưng xét về mặt hiệu quả ổn định lâu dài, vẫn còn một số tồn tại cơ bản, chưa mang tính đổi mới đột phá trong vấn đề quản lý sử dụng xe công.
Thứ nhất, đối tượng được điều chỉnh bởi quy định, xác định quá nhiều tiêu chuẩn định mức dẫn đến khó công bằng và kiểu làm mang tính áp đặt bao cấp. Thế giới hiện nay, rất ít ai sử dụng tiêu chuẩn định mức khô cứng đơn giản để quản lý, từ vĩ mô đến vi mô, từ kinh tế đến kỹ thuật, cả quản lý nhà nước.
Thứ hai, khoán chỉ tốt khi chúng ta nắm tương đối con số trước khi khoán và phải có công cụ quản lý kiểm soát được khoán. Nếu không làm được hai việc trên, khoán sẽ trở thành dao hai lưỡi, dễ phát sinh lừa dối, tiêu cực và lãng phí. Các nước, tất cả đều tính toán trong tiền lương và thu nhập công chức (không ai tính riêng cho đi lại từ nhà đến cơ quan, trừ các trường hợp hết sức đặc biệt ghi rõ trong luật và phải được phê duyệt). Nếu “khoán”, chẳng qua đó là thực hiện chi tiêu tiết kiệm theo đúng kế hoạch ngân sách đã được phê duyệt cho từng cơ quan đơn vị đến từng cá nhân nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Tốt nhất, theo thiển ý của tôi, Bộ Tài chính nên xin ý kiến Chính phủ, thậm chí đưa ra Quốc hội, quyết việc không nên còn kiểu sử dụng xe công đại trà như hiện nay. Thu gọn lại, xe công chỉ dành cho an ninh quốc phòng, lễ tân ngoại giao, một số chức danh lãnh đạo nhà nước và phục vụ công tác chung.
Việc mua sắm, phân phối, quản lý xe công giao về cho Bộ Tài chính quản lý tập trung. Chương trình kế hoạch quản lý sử dụng xe công và một số trường hợp đặc biệt phải trình qua Quốc hội. Nghiên cứu đưa các chi phí đi lại cá nhân vào tiền lương công chức.
Để chủ trương khoán xe công đạt hiệu quả, đã đến lúc VN phải làm theo kinh nghiệm thành công của thế giới.
TS Phạm Sanh