SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
9
3
3
5
5
7
Tin tức sự kiện 13 Tháng Ba 2017 2:35:00 CH

(TTTP) Hơn 7.000 tỉ đồng làm bờ kè và đường dọc kênh dài nhất TP.HCM

Dự án xây dựng công trình bờ kè kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư hơn 3.570 tỉ đồng. Trong khi đó, dự án xây dựng 2 tuyến đường dọc kênh này cũng có tổng kinh phí dự kiến hơn 3.480 tỉ đồng.

 

3.570 tỉ đồng cải tạo bờ kè

Thông tin từ Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cho biết ngày 12.3, đơn vị này đã trình Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình bờ kè kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Đây là công trình thuộc dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM do trung tâm chống ngập làm chủ đầu tư.

 

Theo thiết kế, dự án xây dựng gồm hai tuyến kè dọc kênh có tổng chiều dài hơn 66 km, trong đó có đoạn làm kè đứng và kè nghiêng. Kè đứng dài 16m, gia cố cọc xi măng đất. Kè mái nghiêng, đỉnh kè bê tông hộp rỗng. Bên cạnh xây dựng kè dọc hai bên bờ kênh còn có các hạng mục nạo vét, chỉnh trang bờ kênh; làm mới, sửa chữa, các cống ngang đấu nối ra kênh.

Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 3.570 tỉ đồng. Vốn vay để xây dựng từ Ngân hàng Thế giới. Dự kiến công trình xây kè sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2017-2019.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đi qua 5 quận huyện gồm quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, huyện Bình Chánh với chiều dài toàn tuyến là hơn 33 km. Đây được xem là tuyến kênh dài nhất TP.HCM hiện nay.

3.480 tỉ đồng xây dựng 2 tuyến đường xung quanh kênh

Cùng với tuyến kè, dọc kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên cũng sẽ xây dựng hai trục đường và các công trình hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí dự kiến hơn 3.480 tỉ đồng.

Dự án được thực hiện thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Công ty cổ phần Phương Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Pacific là hai nhà đầu tư được UBND TP giao lập đề xuất dự án xây dựng 2 trục đường. Nhà đầu tư sẽ tự thu xếp và huy động vốn để thực hiện dự án và được UBND TP thanh toán bằng quỹ đất.

Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng ở một số quận huyện đã thực hiện xong. Riêng quận Tân Bình, do chưa xác định được ranh giới thực hiện nên quận này chưa có cơ sở để thực hiện việc giải phóng mặt bằng.

Là đơn vị thẩm định dự án, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM nhận định dự án xây dựng hai tuyến đường xung quanh kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên sẽ đem lại diện mạo mới cho khu vực ven tuyến; đồng thời nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân nhiều quận huyện. Dự án này cũng tạo ra sự đồng bộ với dự án cải tạo xây kè và nạo vét tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.

Sau khi hoàn thành dự án xây dựng 2 tuyến đường ven kênh, kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (màu đỏ) sẽ có diện mạo giống với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè 
- Ảnh: Sở GTVT TP

Trong khi đó, Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá dự án này sẽ tạo trục giao thông kết nối với các tuyến đường hiện hữu, góp phần giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô. Ngoài ra, dự án còn tạo điều kiện khai thác quỹ đất trong khu vực để thúc đẩy phát triển đô thị, đem lại diện mạo đô thị mới. Việc xây dựng 2 tuyến đường cũng góp phần đẩy mạnh việc kết hợp giao thông thủy với giao thông đường bộ.

Đáng chú ý, hồi tháng 11.2016, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề nghị mở mặt đường ven kênh tối thiểu rộng 14m với chiều dài mỗi bên hơn 31 km và chạy qua địa bàn 7 quận huyện bao gồm: huyện Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, quận 12 và Bình Thạnh.

Sở Giao thông Vận tải TP cho rằng dự án mở đường dọc kênh Tham Lương là rất cần thiết và có tính khả thi, phù hợp với các chương trình chỉnh trang đô thị và giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, mặt đường được thiết kế 12m chưa hợp lý, do đó cần phải tăng lên tối thiểu phải rộng 14 m để đảm bảo lưu thông tốt hơn.

Đồng quan điểm, chủ đầu tư cũng nói rằng mỗi trục đường nên có bốn làn xe, hai làn dành cho xe cơ giới rộng 7m, hai làn dành cho xe thô sơ rộng 5m, lề đường rộng 8m.

Phan Diệu

motthegioi.vn


Số lượt người xem: 884    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm