Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu làm việc với cán bộ chủ chốt Cục III. Ảnh: NG
Báo cáo với Tổng Thanh tra về kết quả thực hiện công tác thanh tra, tiến động thực hiện nhiệm vụ xác minh các vụ khiếu nại (KN), tố cáo (TC) được Thủ tướng Chính phủ giao tại khu vực phía Nam, cũng như quá trình triển khai các văn bản của bộ, ngành có liên quan đến KN, TC, Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng khẳng định: Trong điều kiện biên chế chưa đầy đủ, khối lượng công việc nhiều nhưng lãnh đạo Cục đã bám sát chỉ đạo của Tổng Thanh tra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng từng bước thực hiện tốt hàng trăm vụ việc có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tiếp công dân, giải quyết KN, TC.
Tổng số vụ Thủ tướng Chính phủ giao là 104 vụ việc. Đến nay, Cục III đã thanh, kiểm tra và trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ký báo cáo xin ký kiến Thủ tướng Chính phủ 90 vụ, các vụ còn lại đang thống nhất phương án giải quyết với lãnh đạo các địa phương.
Trong năm 2017, Cục III được giao 5 cuộc thanh tra, gồm: Thanh tra công tác quản lý sử dụng đất đai và xây dựng cơ bản tại tỉnh Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu; thanh tra trách nhiệm tại tỉnh Bình Phước; thanh tra quản lý đất công tại TP Cần Thơ và dự phòng thanh tra trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp, Cục III đã báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và có kế hoạch cụ thể để triển khai.
Tại buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cùng Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã lắng nghe đầy đủ một số vụ việc KN, TC đã quá hạn của công dân Nguyễn Phi Thường, quận 2 liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm; TC của Công ty Tiêu Điểm về sai phạm tại dự án bất động sản của Sacomreal tại khu đất vườn rau Tân Thắng, quận Tân Phú; sai phạm trong chuyển đổi vốn góp tại Dự án 8-12 Lê Duẩn.
Trên cơ sở báo cáo của Cục III, cũng như phân tích các vướng mắc do tâm lý sợ dắt dây của lãnh đạo một số địa phương, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đề nghị báo cáo xác minh của Cục III phải bảo đảm khách quan, công tâm, xác định được đúng sai trên cơ sở thượng tôn pháp luật để Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo thực hiện với mục tiêu giải quyết dứt điểm các vụ KN, TC.
Đối với nhiệm vụ tiếp công dân tại phía Nam, đại diện Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết dù tình hình KN, TC 2 tháng đầu năm 2017 đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vấn còn một số vụ việc cũ chưa được các địa phương giải quyết đúng thẩm quyền.
Đó là vụ KN của cán bộ quân đội hưu trí tại phường 2, quận Tân Bình về sai phạm trong thực hiện chính sách thu hồi đất Dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, dù tháng 7/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vẫn chưa tiếp công dân, chưa giải quyết đúng thẩm quyền nội dung KN của công dân.
Ngoài ra, còn một số vụ việc riêng lẻ dù thẩm quyền thuộc cấp quận, huyện và Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu giải quyết vì KN của công dân có cơ sở nhưng lấy lý do hết thời hiệu nên lãnh đạo địa phương không giải quyết để công dân tiếp khiếu như vụ việc KN của công dân Huỳnh Văn Còn, ngụ quận 8, về sai phạm trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 13.000m2 đất tại phường Tân Hưng, quận 7.
Khi công dân tiếp khiếu vượt cấp, Ban Tiếp công dân Trung ương đã có văn bản đề nghị giải quyết đúng pháp luật nhưng Chủ tịch UBND quận 7 không thụ lý để xảy ra hiện tượng 2 bên tranh chấp thuê mướn xã hội đen giải quyết mâu thuẫn. Đó là KN của công dân liên quan đến Khu công nghiệp Long Giang tại tỉnh Tiền Giang vẫn còn dấu hiệu tiếp khiếu, đeo bám.
Liên quan đến một số quan điểm xử lý trong điều kiện KN, TC tại khu vực phía Nam vẫn diễn biến phức tạp, Cục trưởng Cục III, cùng nhiều cán bộ chủ chốt của Cục III đã đề xuất cần có thêm chế tài xử lý nghiêm hành vi cố tình giải quyết sai, né trách trách nhiệm tiếp dân, không ban hành quyết định giải quyết với lý do hết thời hiệu.
Trong thực tế, cách tiếp cận và quan điểm giải quyết giữa Trung ương và địa phương có khác nhau, hiện tượng công dân có tâm lý không tin địa phương, với tâm lý cấp càng cao giải quyết càng tốt do đó đơn thư vượt cấp khá phổ biến.
Cục III kiến nghị Tổng Thanh tra có chỉ thị, chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh tăng cường thanh tra trách nhiệm về việc chấp hành pháp luật về KN, TC, nhất là việc giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền tại các quận, huyện, sở; kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các địa phương nêu rõ về quan điểm và cách tiếp cận tích cực hơn trong lĩnh vực này.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu yêu cầu Cục III phải bám sát kế hoạch thanh tra năm 2017 để xây dựng và triển khai các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Đối với nội dung thanh tra về quản lý sử dụng đất nông lâm trường, Cục III cần khảo sát và bổ sung nhiệm vụ cho các đoàn thanh tra để bảo đảm cân đối giữa nhân lực với nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu lưu ý Cục III phải bố trí thời gian và nhân sự khoa học hơn để thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, các vụ việc còn có ý kiến khác nhau giữa bộ ngành và địa phương. Đây là nhiệm vụ quan trọng vì khu vực phía Nam có khối lượng các vụ việc KN, TC nhiều nhất trong cả nước.
Đối với các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính của Cục III, cũng như mối quan hệ với các đơn vị tại phía Nam, thay mặt lãnh đạo ngành, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã chia sẻ hàng loạt khó khăn, đồng thời định hướng một số nhiệm vụ liên quan đến biên chế, tổ chức.
Đó là Cục III phải phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ tiến hành xây dựng phương án nhân sự phù hợp trong điều kiện năm 2017-2018 phần lớn lãnh đạo Cục III đều đến tuổi nghỉ chế độ, đội ngũ cán bộ kế cận chưa hình thành đầy đủ về bộ khung.
Quan điểm của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ là ủng hộ Cục III xây dựng nhân sự tại chỗ rồi mới tính đến phương án điều từ các đơn vị khác về nhằm mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ Cục III tinh thông về nghiệp vụ, bảo đảm đoàn kết, thống nhất nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác thanh tra, giải quyết KN, phòng chống tham nhũng tại 20 tỉnh, thành phía Nam.
Nhật Giang