Sáng 2-3, Viện Công nhân (CN) và Công đoàn (CĐ) - Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với dự án Quan hệ lao động - Tổ chức Lao động quốc tế tổ chức hội thảo về nhiệm vụ của CĐ cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở trong tình hình mới. Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh: “Đổi mới là yêu cầu cấp thiết. Phải làm sao cho tổ chức CĐ và cán bộ CĐ thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động (NLĐ)”.
Ăn lương chủ, ngại đấu tranh
Nội dung hội thảo tập trung vào CĐ khu vực ngoài nhà nước. Theo TS Vũ Minh Tiến, Phó Viện trưởng Viện CN và CĐ, kết quả khảo sát hơn 1.000 CN ở 250 doanh nghiệp (DN) cho thấy nguyên nhân làm giảm hiệu quả hoạt động của CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước là bởi nhiều cán bộ CĐ kiêm nhiệm công tác quản lý nhân sự, quản lý bậc trung và cao, tham gia điều hành DN.
Ông Nguyễn Mạnh Cường (đứng) nêu lên những khó khăn trong hoạt động Công đoàn tại hội thảo
“Lương và phúc lợi của họ thường cao hơn khá nhiều so với thu nhập chung của NLĐ nên họ không toàn tâm toàn ý với CN. Một khó khăn khác là những cán bộ CĐ tích cực bảo vệ CN thường bị chủ DN phân biệt đối xử, thậm chí trù dập nhưng tổ chức CĐ chưa có biện pháp bảo vệ hiệu quả” - TS Vũ Minh Tiến nhìn nhận.
Báo cáo khảo sát của Viện CN và CĐ cũng chỉ ra rằng “một số cán bộ CĐ cơ sở thiếu động lực thực tế để làm tốt công tác CĐ, thậm chí chỉ muốn làm hài lòng ông chủ thay vì làm hài lòng đoàn viên”. Từ kết quả khảo sát này, Viện CN và CĐ đưa ra khuyến nghị: Để đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ và để NLĐ biết, ủng hộ CĐ thì trước tiên, cán bộ CĐ phải luôn lắng nghe, tập hợp và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của NLĐ; từng bước tìm mọi cách đáp ứng nguyện vọng của NLĐ ở mức cao nhất có thể.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, chuyên gia quan hệ lao động đến từ Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, cũng cho rằng cán bộ CĐ cơ sở được DN trả lương nên việc không có tiếng nói mạnh mẽ để đấu tranh cho quyền lợi NLĐ là điều dễ hiểu. “Tuy nhiên, nếu CĐ cấp trên bảo vệ được họ; luôn đồng hành, hỗ trợ cơ sở trong mọi hoạt động thì có lẽ cán bộ CĐ cơ sở sẽ làm được nhiều việc hơn để bảo vệ đoàn viên và NLĐ” - ông Cường lưu ý.
Cán bộ Công đoàn cơ sở cần được “chống lưng”
Ông Phan Thanh Hải, chủ tịch CĐ một DN có vốn đầu tư của Nhật Bản đóng tại KCN Thạch Thất (Hà Nội), thừa nhận những cán bộ CĐ cơ sở, đặc biệt là người làm việc tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài như ông, đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động.
“Chúng tôi luôn mong muốn đấu tranh đòi quyền lợi cho NLĐ nhưng muốn đấu tranh thắng lợi thì cán bộ CĐ phải có tiếng nói. Thực tế, nói vừa vừa thì được chứ nói mạnh thì quả thực chúng tôi gặp khó khăn. Bởi lẽ, chúng tôi được chủ DN trả lương, không lẽ nói ngược lại ý họ? Theo tôi, muốn bảo vệ được NLĐ, trước tiên cán bộ CĐ phải được bảo vệ. Nghĩa là ngoài cơ chế, chính sách, pháp luật thì CĐ cấp trên phải kề vai sát cánh, nói nôm na là phải “chống lưng” cho chúng tôi” - ông Hải bày tỏ.
Đồng cảm với suy nghĩ của ông Hải song Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Lý cho rằng “chống lưng” cho cán bộ CĐ cơ sở chính là tập thể đoàn viên và NLĐ ở DN. “Chính những đoàn viên đã tin tưởng, bỏ phiếu bầu ra ban chấp hành CĐ cơ sở sẽ là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ CĐ. Khi CĐ đấu tranh đem lại lợi ích cho đoàn viên và NLĐ tại nơi mình làm việc thì chính họ mới là người bảo vệ cán bộ CĐ hữu hiệu nhất. Sức mạnh của tổ chức CĐ là ở tập thể lao động chứ không phải của riêng một cá nhân nào” - ông nhấn mạnh.
Theo ông Trần Văn Lý, để nâng cao chất lượng hoạt động CĐ cơ sở, cần phải nhìn nhận và đánh giá được những mặt hạn chế, từ đó có giải pháp khắc phục một cách căn cơ, hữu hiệu.
Theo Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến tháng 12-2016, CĐ Việt Nam có 125.560 CĐ cơ sở với hơn 9,6 triệu đoàn viên. Trong đó, riêng khu vực DN và HTX có 44.459 CĐ cơ sở với gần 5,6 triệu đoàn viên.
Bài và ảnh: Văn Duẩn