Thứ năm, 02/03/2017, 09:12 (GMT+7)
Tại các nước, một trong những tiêu chí để đo lường chất lượng sống của người dân là những tiện ích chính quyền mang lại cho nhân dân, trong đó có việc thực hiện thủ tục hành chính. Những năm qua tại TPHCM, không ít đơn vị, địa phương triển khai các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin “tham gia” công tác quản lý, điều hành, phục vụ người dân và thu về thành quả rõ ràng, thiết thực.
Việc đăng ký trực tuyến khi đi làm hộ chiếu giúp người dân chủ động, tiết kiệm thời gian
Hiệu quả với phần mềm “nhắc việc”
Ở quận Bình Thạnh trước đây, các phần mềm phục vụ công tác quản lý đô thị thường sắp xếp đơn lẻ, không số hóa. Năm 2016, với mục đích “thu thông tin về một mối”, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, quận Bình Thạnh thiết lập và đưa vào ứng dụng website quản lý trong lĩnh vực đô thị. Trang web tích hợp nhiều tính năng, bao gồm những phần mềm dữ liệu thông tin liên thông dành cho cán bộ, chuyên viên, lãnh đạo từ quận xuống phường. Cụ thể, dữ liệu về quy hoạch, tranh chấp trong xây dựng… đều được số hóa trên website. Cán bộ thụ lý hồ sơ chỉ cần tra cứu trên website là tìm ra thông tin. Hay giấy phép xây dựng cấp cho người dân cũng được số hóa, hệ thống sẽ tự động chuyển thông tin đến phường và thanh tra xây dựng.
Như vậy, ở hai quy trình này, quận không cần gửi văn bản thông báo đến các nơi như cách làm truyền thống. Ở công đoạn tiếp theo, bộ phận có trách nhiệm ở UBND phường tiếp tục cập nhập tình hình khởi công, hoàn công lên hệ thống. Thông tin này cũng được chia sẻ công khai đến thanh tra xây dựng phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh những bộ phận liên quan trực tiếp đến lĩnh vực đô thị, lãnh đạo, HĐND, Mặt trận Tổ quốc của quận cũng có thể xem toàn bộ thông tin trên website. Nhờ vậy, lãnh đạo dễ dàng kiểm soát toàn bộ quá trình làm việc giữa người dân và cán bộ. Đặc biệt, website còn thiết kế tính năng “nhắc việc”. Lãnh đạo quận, các phòng, ban có thể theo dõi thông tin về số lượng, tốc độ xử lý hồ sơ của từng cá nhân. Khi phát hiện hồ sơ quá hạn, lãnh đạo gửi tin nhắn đốc thúc trực tiếp lên hệ thống. Người dân cũng có thể chủ động nhắn tin hoặc lên website tra cứu tình trạng hồ sơ của mình. Trong trường hợp hồ sơ vướng mắc hay đã giải quyết sớm hơn lịch hẹn, hệ thống tự động nhắn tin báo người dân đến sửa đổi, bổ túc hồ sơ, nhận kết quả sớm. Theo ghi nhận, từ khi website tham gia vào công tác quản lý đô thị, không có bất kỳ hồ sơ nào của người dân quá hạn giải quyết. Phản ánh, khiếu nại qua đường dây nóng cũng được tích hợp trên website. Nhờ vậy, người dân có thể trực tiếp giám sát quá trình xử lý của cơ quan chức năng.
Ông Trần Hồng Lâm (ngụ phường 17, quận Bình Thạnh) nhận xét: “Hiện tôi không chỉ tìm kiếm thông tin quy hoạch trên điện thoại mà còn xem tiến độ giải quyết hồ sơ xin cấp phép xây dựng qua mạng internet. Cách làm này góp phần hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực cũng như tình trạng chây ỳ, trốn việc. Quan trọng hơn, chúng tôi không tốn nhiều thời gian khi xin cấp phép”.
Tương tự, công tác áp dụng tờ khai cấp hộ chiếu trực tuyến do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an TPHCM đã tỏ rõ hiệu quả sau một năm thực hiện. Từ ngày 15-2-2016, PA72 chính thức triển khai mô hình “tờ khai điện tử” cho công dân đến làm thủ tục cấp, đổi hộ chiếu. Tính đến nay, TP có 203.084/269.938 trường hợp khai qua mạng; trong đó có 35.129 hồ sơ khai trực tuyến thông qua website xuất nhập cảnh hành chính công mức độ 3. Hình thức làm hồ sơ trực tuyến giúp người dân chủ động rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi; giảm đáng kể trường hợp bổ túc hồ sơ do khai sai, thiếu.
Điều chỉnh lề lối, tác phong lãnh đạo, cán bộ
Theo nhìn nhận của người dân, cũng như nhiều cơ quan, địa phương, việc thay đổi cách thức triển khai công việc đối với từng cá nhân là rào cản lớn nhất trong suốt quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Ông Dương Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết có không ít ý kiến phản ánh về thái độ cán bộ công chức khi thực thi công vụ. Do nhiều nguyên nhân, công tác kiểm tra, giám sát của quận chưa thực sự chặt chẽ nên việc chủ động ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi nhũng nhiễu còn hạn chế. Khâu vận hành hệ thống từng là “bài toán khó” trong cả quá trình ứng dụng website. Trong đó, “phép tính khó nhất” là vấn đề thay đổi lề lối làm việc. UBND cũng như các phòng, ban liên quan đã áp dụng nhiều quy chế mới, yêu cầu toàn bộ cán bộ công chức tham gia và chấp hành. Ví dụ: cán bộ làm trễ hồ sơ của dân 3 lần sẽ bị kiểm điểm và chuyển công tác… Những ngày đầu làm quen, một số cá nhân, kể cả lãnh đạo, cảm thấy áp lực vì đã quá quen với cách làm cũ. Thậm chí, một số người đang làm việc tại bộ phận cấp giấy phép xây dựng xin chuyển công tác vì không chịu nổi “nhiệt”. “Tôi đi công tác nhưng chỉ cần mở điện thoại là có thể điều hành, kiểm soát được mọi việc. Khi thông tin công khai như vậy, bản thân lãnh đạo phải sát sao, gương mẫu hơn nữa”, ông Thắng chia sẻ.
Hầu hết các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính giúp quyền của người dân tăng lên, quyền của cán bộ giảm đi. Nói cách khác, tính công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính tăng lên rõ rệt.
Để đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính nhằm đem đến sự tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, trong năm 2017, UBND TPHCM đề ra mục tiêu thực hiện có hiệu quả các thủ tục hành chính liên thông một cửa điện tử; đồng thời triển khai có hiệu quả Quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn TP; đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Cùng với đó, TP cũng sẽ bố trí công chức, viên chức có đủ trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung 4 xin (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép) và 4 biết (biết chào, biết cười, biết quan tâm, biết chia sẻ) trong công tác tiếp công dân.
|
KỲ LÂM