Phóng viên: Thưa ông, UBND TP HCM đã giao trách nhiệm trực tiếp cho lãnh đạo UBND các quận, huyện xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn mình quản lý nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM:
Tình hình trật tự lòng đường, vỉa hè tại TP đang rất phức tạp nên trong năm 2017, chủ tịch UBND các quận, huyện phải cam kết với chủ tịch UBND TP giải quyết cơ bản tình trạng này. TP đã giao trách nhiệm rồi, cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các chủ tịch phường, xã, thị trấn để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra phức tạp. Nếu làm không được là do năng lực không đủ, vậy thì trách nhiệm đến đâu, phải xử lý đến đó. Có thể điều chuyển công tác để thay thế bằng người có năng lực hơn.
- Ông đánh giá thế nào trước việc UBND quận 1 đang quyết liệt chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường?
- Việc quận 1 quyết liệt dẹp nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là rất đáng hoan nghênh. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, việc này không chỉ có quận 1 mà các địa phương khác cũng phải chung tinh thần như vậy, không chỉ tập trung ở 159 tuyến đường đăng ký “kiểu mẫu” mà phải thực hiện trên tất cả tuyến đường của toàn TP. Thực tế, khi các địa phương sâu sát hơn trong việc chấn chỉnh nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, kết quả đạt được rất tích cực. Thời gian trước và sau Tết Đinh Dậu, chúng tôi đã tổ chức 2 đợt kiểm tra trên một số tuyến đường chính, ghi nhận có nhiều chuyển biến, nhất là ở quận 1, 2, Tân Phú, Bình Tân… Do đó, nếu các quận, huyện khác cũng quyết tâm như quận 1, kết quả đạt được sẽ càng tích cực hơn.
- Thực ra trước đây, các quận, huyện đã nhiều lần ra quân chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường nhưng sau đó, mọi chuyện lại quay về như cũ. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
- Có nhiều nguyên nhân. Trước hết, công tác chấn chỉnh chỉ mang tính chất tạm thời, đạt được một số kết quả trước mắt, sau đó lại tái diễn. Bên cạnh đó, tính phối hợp giữa các địa phương, giữa các lực lượng ở cùng một quận, huyện chưa cao. Tại một số quận, huyện, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đến việc chấn chỉnh nạn lấn chiếm lòng lề đường, dẫn đến không quyết liệt trong công tác chỉ đạo, giao nhiệm vụ cũng như kiểm điểm cấp phường, xã khi không hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, cũng phải kể đến nguyên nhân khách quan là lực lượng kiểm tra còn mỏng, người buôn bán hàng rong đa phần là dân nhập cư nên khó xử lý, cơ sở hạ tầng, quy trình xử lý tang vật tốn nhiều thời gian, nhân lực nên gặp nhiều khó khăn…
- Vậy thời gian tới cần những giải pháp trọng tâm gì để đạt được hiệu quả trong việc bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè?
- Cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều đơn vị, ban ngành; kế hoạch đưa ra phải cụ thể, khoa học, phù hợp với thực tế. Theo tôi, không thể một sớm một chiều là có thể thực hiện được ngay mà cần thời gian để tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức. Cụ thể, khi triển khai ở những địa bàn phức tạp, cần tuyên truyền trước cho người dân nắm được thông tin để họ chuẩn bị, sắp xếp lại việc kinh doanh cũng như đời sống, sinh hoạt. Việc tuyên truyền này có thể thực hiện trước từ 6 tháng, nêu những kế hoạch cụ thể để người dân nắm bắt và đến khi thực hiện, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm.
Trên từng tuyến đường, việc triển khai cũng phải linh hoạt và đồng bộ. Những tuyến đường có vỉa hè rộng, có thể kẻ vạch để ngăn một phần diện tích cho người dân sử dụng làm chỗ để xe, sinh hoạt gia đình… nhưng cấm hoàn toàn việc chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán. Đối với những tuyến đường có vỉa hè hẹp, tuyên truyền cho người dân không lấn chiếm, nếu vi phạm cần xử lý nghiêm. Cần thường xuyên kiểm tra để tránh nguy cơ tái diễn. Riêng tình trạng các loại xe dừng, đậu sai quy định thì tăng cường các biện pháp phạt nguội, cẩu xe vi phạm…
Hiện trên địa bàn TP HCM có 2.271 tuyến đường có vỉa hè và tình trạng trật tự lòng lề đường đang rất phức tạp, trong đó nổi cộm là tình trạng buôn bán hàng rong.
Gia Minh thực hiện